Giá vàng tiếp tục tăng thẳng đứng, nhà đầu tư cân nhắc nếu chỉ giữ ngắn hạn

Từ đầu tháng 3 đến nay, giá vàng liên tục tăng sốc với mức tăng từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/lượng so với ngày trước đó. Nhiều người giữ vàng đã rất vui mừng vì lời hơn một nửa so với thời điểm trước đó vài tháng.

Tính đến 9 giờ sáng ngày 9/3, giá vàng trong nước tăng từ 700.000 đến 1,5 triệu đồng/lượng so với ngày trước đó. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào - bán ra ở mức 71,2 - 73 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng cho cả 2 chiều so với chốt phiên hôm qua.

Tại Hà Nội, vàng Doji niêm yết ở mức 70,5 - 72,5 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất. Riêng Doji Sài Gòn, giá vàng mua vào tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với phiên gần nhất.

Tại Phú Quý SJC, giá vàng niêm yết ở mức 70,8 - 72,8 triệu đồng/lượng, tăng 1,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất.

5524_a

 Nhà đầu tư nếu muốn mua vàng, chỉ nên mua vàng nhẫn hoặc trang sức do giá vàng đang bằng giá vàng thế giới. Ảnh: internet.

Tại thị trường vàng thế giới, thời điểm 8 giờ 40 phút sáng ngày 9/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 2.039 USD/ounce, tăng mạnh tới 53 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Hôm qua, đã có lúc giá vàng "điên cuồng" tăng lên chạm ngưỡng 2.073 USD/ounce, mức giá cao nhất mọi thời đại.

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, một số tiệm vàng ở Quận 1, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) hầu như đều vắng khách. Điển hình, tại các trung tâm vàng bạc đá quý trên đường Lê Thánh Tôn (Quận 1), phần lớn đều không có người mua, lác đác 1 -2 người ghé hỏi thăm bán vàng hoặc mua vàng trang sức cho ngày cưới. Riêng tại tiệm vàng Mi Hồng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), lượng người đến tiệm vàng đông hơn, nhưng không đông như những ngày trước đó. Phần lớn người đến tiệm vàng đều bán hoặc cầm cố vàng, ít ai hỏi mua vì giá cao.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, xung đột Nga-Ukraine khiến nỗi sợ hãi gia tăng trên thị trường, chính là nguyên nhân khiến giá vàng tăng "phi mã" vì giới đầu tư ráo riết tìm kênh trú ẩn an toàn. Mặt khác, vàng được cho là vẫn còn dư địa để tăng giá trong thời gian tới bởi 3 yếu tố: Chiến sự ở Ukraine vẫn "nóng"; lạm phát đang tăng nhanh trên toàn cầu và các quyết sách về lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tính trong 30 phiên gần nhất, giá vàng thế giới tăng đã tăng tới 236,60 USD (13,08%). Còn tính trong 1 năm, giá kim loại quý đã tăng tổng cộng 362,10 USD (21,52%).

Ngoài ra, theo nhận định của các nhà phân tích CTCK Maybank Kim Eng, giá vàng tăng dữ dội lên đỉnh lịch sử ngay khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Cụ thể, giá vàng trên sàn Comex đã đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại với 2.074 USD/toz. Mức đỉnh trước đó đạt được là 2.063 USD/toz vào tháng 8/2020. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 4 cũng đã nhảy vọt lên 2.069 USD/toz.

Đặc biệt, vàng tăng "dựng đứng" ngay trước bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden lúc 11 giờ 25 phút (giờ New York) về hành động mới của Mỹ nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tại Ukraine. Theo đó, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga kể cả không có sự tham gia của các đồng minh ở châu Âu. Thị trường kim loại quý còn được dự báo là sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát cao trên toàn cầu, giá hàng hoá tăng đột biến.

Theo Daniel Briesemann, nhà phân tích của Commezbank, kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, chỉ riêng các Quỹ hoán đổi danh mục vàng đã chứng kiến một dòng tiền lớn đổ vào kim loại quý này. Còn Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết, các quỹ ETF vàng toàn cầu đã chứng kiến dòng vốn ròng lên tới 35,3 tấn, trị giá 2,1 tỷ USD. Theo tổ chức này, trong môi trường lãi suất thấp, với áp lực lạm phát gia tăng, vàng vẫn là một yếu tố đa dạng hóa danh mục đầu tư tốt hơn so với trái phiếu.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết, theo như dự báo trước đó, giá vàng đã bứt phá khỏi mốc 2.000 USD/toz và sau đó chạm đến đỉnh cao lịch sử của loại hàng hóa này. Dự đoán cũng cho hay, nhu cầu về vàng hiện tại là rất cao và với tình hình chiến sự vẫn tiếp tục căng thẳng cùng với lạm phát leo thang, giá vàng sẽ không chỉ dừng lại ở 2.074 USD/toz.

Với tình hình trên, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh khuyến cáo, nhà đầu tư không nên mua vàng nếu chỉ giữ ngắn hạn, nhất là trong 1 tuần tới; cần lưu ý, chênh lệch giá vào những thời điểm thị trường nóng đều được nới ra rất nhiều. Hiện giá mua bán trong nước đang chênh với thế giới rất cao, đã lên tới 12 triệu đồng/lượng. Với tốc độ tăng giá của vàng trong nước hiện nay, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng, rất có khả năng vàng sẽ tăng lên 75 triệu đồng hay 80 triệu đồng/lượng nếu giá thế giới tăng thêm vài chục USD/ounce. Do đó, nhà đầu tư nắm giữ vàng ngắn hạn lại càng rất nguy hiểm.

“Nếu nhà đầu tư không có ý định nắm giữ vàng miếng dài hạn và nếu mua mới thì chỉ nên có một tỷ trọng nhất định (tùy vào độ tuổi vàng và sự chịu đựng rủi ro mà phân bổ từ 10-50%) chứ cũng không nên vay mượn hoặc chỉ nắm giữ hầu hết là vàng trong danh mục đầu tư của mình. Cụ thể, có thể mua vàng nhẫn, nữ trang cùng chất lượng 9999 như vàng miếng nhưng giá 55 - 56 triệu đồng/lượng là điều có thể chấp nhận được. Mức giá này bám sát thế giới nên tính hấp dẫn cũng kém hơn vì không tăng quá mạnh”, chuyên gia Khánh nói./.