Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Cần điều chỉnh về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân trong chính sách ưu đãi
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên - đánh giá cao nội dung dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này, các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý trong dự thảo Luật.
Quan tâm tới Điều 8 dự thảo Luật về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, đại biểu cho biết, hiện nay đang xây dựng 2 phương án, phương án 1 quy định cụ thể về vốn đầu tư với quy mô đầu tư tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, điều kiện thực hiện trong 3 năm đầu là 1.000 tỷ đồng.
Đại biểu cho rằng đây là điều kiện rất khó khăn, bởi lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm... Đây là những lĩnh vực rất hẹp, trong khi đó lại yêu cầu quy mô đầu tư rất cao, khả năng giải ngân trong 3 năm đầu hoàn toàn không khả thi. Do đó, đại biểu cho rằng cần phát xem xét lại nội dung này.
Theo đại biểu, phương án này có ưu điểm là xác định được cụ thể quy mô của dự án đầu tư để được hưởng ưu đãi tại Điều 20 của Luật Đầu tư. Phương án hai thì quy định phải đáp ứng được quy định tại Điều 20 mới được hưởng ưu đãi. Do đó, đại biểu cho rằng cần điều chỉnh lại quy định về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân để đảm bảo phù hợp.
Nhiều chính sách khó đảm bảo tính khả thi của Luật Dược
Liên quan đến tính khả thi của Luật, cho rằng một số chính sách trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, đại biểu Lê Văn Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận thấy dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 8 đã tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đã hoàn thiện theo hướng toàn diện.
Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 7, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Điều 7 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều kiện chưa sửa đổi toàn diện Luật Dược tại thời điểm hiện nay. Những nội dung được sửa đổi tại điểm này nhằm kịp thời thích ứng với tình hình mới, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Những nội dung cụ thể sửa đổi tại điều này mang tính nguyên tắc, định hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành dược, bao gồm cả việc giải quyết những vấn đề thực tế, việc cung ứng thuốc, cải cách, ưu tiên về thủ tục hành chính,...; song cũng bao gồm cả những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, tầm nhìn dài hạn với những trọng tâm, trọng điểm, trọng điểm, cụ thể.
Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đã quy định giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 14 Điều 7. Tuy nhiên, qua rà soát, đại biểu nhận thấy, những nội dung chính sách mang tính nguyên tắc, định hướng hoặc các chính sách đã được thể hiện tại các điều luật khác không nhất thiết phải giao quy định chi tiết. Đồng thời, qua nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật trình tại Kỳ họp, dự thảo Nghị định còn nhiều chính sách chưa được quy định cụ thể. Điều này có thể dẫn tới việc khó đảm bảo tính khả thi, hiệu lực pháp lý của luật.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn nữa các chính sách ngay trong dự thảo Luật. Đối với những chính sách do Chính phủ quy định chi tiết, cần được thể hiện đầy đủ trong Nghị định của Chính phủ để đảm bảo thực thi ngay khi luật có hiệu lực thi hành.
Kết luận phiên thảo luận về Luật Dược sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, đồng thời cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến đại biểu đều hướng đến tính hiệu quả, khả thi của việc sửa đổi luật, nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý dược, đấu thầu mua sắm thuốc, đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời và giá cả hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi, ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghiệp dược.
Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua.