Giải quyết tình trạng khan hiếm, đội giá cát xây dựng bằng cách nào?

Hữu Việt

06/04/2023 10:40

Theo dõi trên

Thiếu nguồn cát xây dựng đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt, nhiều công trình bị ngưng trệ, có khả năng không đạt tiến độ đề ra... Trong bối cảnh đó, việc sử dụng cát biển thay thế là giải pháp cấp thiết lúc này.

“Báo động đỏ” về cát xây dựng

Theo số liệu của Vụ Vật liệu Xây dựng, tổng trữ lượng cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền khoảng 692 triệu m3; công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm.

Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3. Như vậy, nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu cát xây dựng.

image-20230406083236-1-1680752236.jpeg

Nhiều tỉnh thành miền Trung và Tây Nam Bộ đang xuất hiện tình trạng khan hiếm cát xây dựng

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành miền Trung và Tây Nam Bộ xuất hiện tình trạng khan hiếm vật liệu san nền, vật liệu xây dựng như cát, đá.

Trước tình trạng thiếu nguồn cung, giá cát xây dựng cao đột biến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình trạng thiếu cát, vật liệu san lấp, đề xuất các giải pháp cụ thể.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, 10 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần khoảng 17,1 triệu m3 đá, 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp nền. Tuy nhiên, khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.

Cụ thể, vật liệu đá còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 (tỉnh Hà Tĩnh 1,4 triệu m3; Quảng Bình 1,56 triệu m3; Quảng Trị 0,75 triệu m3; Quảng Ngãi 0,23 triệu m3; Bình Định 1,43 triệu m3; Phú Yên 1,64 triệu m3; Khánh Hòa 0,5 triệu m3); vật liệu cát còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3 (tỉnh Hà Tĩnh 0,21 triệu m3; Quảng Bình 1 triệu m3; Quảng Trị 0,08 triệu m3; Quảng Ngãi 0,03 triệu m3; Bình Định 0,3 triệu m3; Phú Yên 0,17 triệu m3; Khánh Hòa 0,1 triệu m3); vật liệu đất đắp còn thiếu khoảng 3 triệu m3 (tỉnh Hà Tĩnh 2,3 triệu m3; Quảng Ngãi 0,7 triệu m3).

Tương tự, với cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, tổng nhu cầu vật liệu xây dựng khoảng 1,37 triệu m3 đá các loại và khoảng 1,7 triệu m3 đất đắp nền. Riêng lượng cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3 (phải thi công trong 18 tháng để chờ lún) vẫn thiếu.

image-20230406083236-2-1680752236.jpeg

 

Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM có báo cáo về tình hình triển khai dự án vành đai 3 TP.HCM. Đáng chú ý, Sở này đề cập về tình trạng khan hiếm vật liệu, nhất là đất cát đắp nền đường.

Sở GTVT nêu rõ, theo tính toán, để xây dựng vành đai 3 TP Hồ Chí Minh cần hơn 14,8 triệu m3 vật liệu, trong đó đất đắp nền cần hơn 1,6 triệu m3, cát đắp nền hơn 7,2 triệu m3, cát xây dựng cần gần 1,5 triệu m3, đá xây dựng 4,4 triệu m3.

Tuy nhiên qua kết quả khảo sát và làm việc với các địa phương trong vùng, nguồn vật liệu xây dựng đang khan hiếm và khó đảm bảo cung cấp theo tiến độ thực hiện dự án.

Đâu là giải pháp thay thế?

Việc nguồn cát sông ngày càng khan hiếm kéo theo nhiều công trình bị ngưng trệ, có khả năng không đạt tiến độ đề ra. Tình trạng này cần được tháo gỡ ra sao?

image-8-1680752236.png

Nguồn cát xây dựng đang khan hiếm và khó đảm bảo cung cấp theo tiến độ thực hiện dự án

Trong một văn thư gần đây trả lời cử tri Đồng Tháp thắc mắc về thiếu cát xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết nhu cầu vật liệu thay thế cát tự nhiên của cả nước ngày càng tăng. Trong đó, nhu cầu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên để phục vụ cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành và một số dự án phát triển kinh tế xã hội tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ nay đến năm 2030 rất lớn, ước tính khối lượng dự kiến lên tới 100 triệu m3 cát.

Tuy nhiên qua khảo sát, nguồn cát từ khai thác cát lòng sông hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% cho các công trình. Do đó, việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng đang được đặt ra rất cấp bách.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu dùng cát biển thay thế cát sông. Tới cuối năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải sẽ công bố kết quả việc sử dụng cát biển sử dụng đắp nền thi công cao tốc và các công trình hạ tầng quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nghiên cứu ban đầu cho thấy rất khả thi, và nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Singapore đã áp dụng thành công vật liệu thay thế này.

Ngoài việc sử dụng cát biển, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo cũng như văn bản hướng dẫn sử dụng vật liệu tro, xỉ cũng để làm vật liệu đắp nền thay thế cát sông.

Có thể thấy, việc nghiên cứu sử dụng cát biển, cát nghiền không chỉ khắc phục vấn đề khan hiếm mà còn có thể giải quyết tình trạng "đội giá" cát xây dựng và cát san lấp khiến nhiều nhà thầu đang thi công công trình, dự án đứng ngồi không yên như thời gian vừa qua

Bạn đang đọc bài viết "Giải quyết tình trạng khan hiếm, đội giá cát xây dựng bằng cách nào?" tại chuyên mục Tài nguyên. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com