Phát triển thị trường carbon: Cơ chế, chính sách vẫn “chậm” và “thiếu”

Mặc dù theo dự kiến, thị trường carbon sẽ thí điểm vào năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028, thế nhưng, cho đến nay việc hoàn thiện hệ sinh thái chính sách cho thị trường này được cho vẫn “chậm” và “thiếu”…

Theo Dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam mới nhất, thị trường carbon sẽ tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

theo-du-thao-de-an-phat-trien-thi-truong-carbon-tai-viet-nam-pld-1724728594.jpg
Theo Dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam mới nhất, giai đoạn từ năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc – Ảnh minh họa: ITN

Giai đoạn từ năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Toàn bộ hạn ngạch được phân bổ miễn phí, chưa thực hiện đấu giá hạn ngạch. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ đối với một số lĩnh vực phát thải lớn. Các loại tín chỉ carbon được phép trao đổi, mua bán trên thị trường gồm: Các tín chỉ thu được từ chương trình, dự án tạo tín chỉ trong nước theo quy định của pháp luật; chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế…

Chủ thể tham gia giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính là các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng ban hành. Chủ thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon là tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.

Giai đoạn từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới. Phần lớn hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được phân bổ miễn phí, phần còn lại được phân bổ qua đấu giá; xem xét bổ sung thêm các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường.

mac-du-du-thao-de-an-phat-trien-thi-truong-carbon-da-dua-ra-lo-trinh-rat-cu-the-pld-1724728593.jpg
Mặc dù Dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon đã đưa ra lộ trình rất cụ thể, tuy nhiên, cho đến nay, việc phát triển hệ sinh thái chính sách phục vụ thị trường được cho vẫn rất “chậm” và “thiếu” – Ảnh minh họa: ITN

Các tổ chức hỗ trợ giao dịch là những đơn vị thực hiện thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tùy thuộc dự kiến quy mô thị trường có thể bao gồm các tổ chức làm các nhiệm vụ hỗ trợ giao dịch khác.

Việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước theo phương thức tập trung trên nền tảng giao dịch trực tuyến. Thị trường carbon trong nước là thị trường carbon tuân thủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm vận hành, quản lý, theo dõi và giám sát thị trường tín chỉ carbon. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng.

Đề án là vậy, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sự chậm trễ ban hành các điều kiện, quy định để phát triển thị trường carbon đang khiến cho mục tiêu này có nguy cơ khó hoàn thành đúng thời hạn đề ra.

Đánh giá về cơ chế, chính sách cho phát triển thị trường carbon, ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Việt Nam đã có nhiều động thái từ rất sớm.

Theo đó, từ năm 2013, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã nêu vấn đề này. Tiếp đến, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định “nghiên cứu, xây dựng chính sách thuế carbon thích hợp đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch”…

Về mặt pháp luật, từ năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định phát triển thị trường carbon. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tiếp tục khẳng định, quy định cụ thể hơn về nội dung này.

“Có thể nói, các chính sách đó đã bước đầu tạo ra khung khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển thị trường carbon”, ông Thi bình luận.

Dù vậy, đại diện Cục Lâm nghiệp thừa nhận, để phát triển thị trường tín chỉ carbon khung chính sách vẫn còn thiếu vắng rất nhiều quy định liên quan quyền sở hữu hay chuyển nhượng tín chỉ carbon, trao đổi thương mại, quản lý và sử dụng nguồn thu này.

Chia sẻ với băn khoăn về sự chậm trễ ban hành chính sách, bà Trần Hồng Nguyên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thị trường carbon là vấn đề mới, khó. Cũng chính bởi thế, cơ chế, chính sách hiện vẫn chưa hoàn chỉnh.

“Cần phải tạo hệ sinh thái, cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hoạt động. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước”, bà Nguyên nhấn mạnh.

Đồng thời mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng mới, sửa đổi văn bản cho phù hợp để bảo đảm mục tiêu đề ra.

Còn theo Cố vấn chiến lược Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Hội Nước sạch và Bảo vệ môi trường Việt Nam – Phạm Hồng Quân, hy vọng đây là “chậm” nhưng “chắc”.

“Nhưng không được chậm quá. Phải làm sao những nguồn tài chính liên quan đến giảm phát thải giữ lại trong nước và không bị không để thất thoát khi tham gia vào cơ chế tín chỉ carbon”, ông Quân bày tỏ.