Thị trường lớn “đánh” thuế carbon và “ứng xử” cho doanh nghiệp Việt

Cơ chế CBAM được thực thi tại châu Âu và một số thị trường lớn như Mỹ, Anh, Canada… dự kiến có cơ chế tương tự với hàng hoá nhập khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, khi xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế đang trở nên bắt buộc, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn chịu tác động. Trước mắt là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu đang hiệu lực thực thi.

anh-1-7-1-1703689564.jpeg

Xi măng là một trong số 6 ngành hàng có sản phẩm chịu tác động của cơ chế CBAM

Trao đổi thêm về cơ chế CBAM, TS. Nguyễn Phương Nam – chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) cho biết: Cơ chế CBAM đánh thuế carbon với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất. Theo quy định, trong giai đoạn đầu tiên (giai đoạn chuyển tiếp) thực thi cơ chế CBAM, đến hết tháng 1/2024, các doanh nghiệp xuất khẩu 6 mặt hàng nằm trong diện thực hiện cơ chế CBAM phải báo cáo mức phát thải nhà kính trên đầu sản phẩm nhập khẩu. Từ sau năm 2026, cơ chế CBAM mở rộng áp dụng với các ngành hàng và doanh nghiệp mua chứng chỉ phát thải CBAM.

Cơ chế CBAM nhằm giúp các quốc gia trên thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn, thực chất hơn và đi vào cụ thể với doanh nghiệp; đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng, công bằng cho hàng hoá nhập khẩu từ các nước vào EU, trong đó có Việt Nam. CBAM không phải là rào cản thương mại gây khó dễ.

Trong giai đoạn thử nghiệm, có 6 ngành hàng tạo ra phát thải khí nhà kính lớn nhất chịu tác động của cơ chế CBAM là sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón, sản xuất hydogen và sản xuất điện. Theo cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu với hàng hoá thâm dụng carbon của Việt Nam vào EU khá lớn, chiếm hơn 13%. Tuy nhiên, có 4 ngành chịu tác động trực tiếp là phân bón, sắt thép (với sản lượng xuất khẩu vào EU hàng đầu thế giới), xi măng, nhôm; hai ngành hàng còn lại chưa chịu tác động của CBAM.

TS. Nguyễn Phương Nam lưu ý, không phải sản phẩm nào trong 6 ngành hàng trên cũng chịu ảnh hưởng của cơ chế CBAM. Cơ chế này đi cụ thể trực tiếp vào từng sản phẩm của các ngành hàng nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm theo dõi.

anh-2-1-1-1703689564.jpeg

Cơ chế CBAM tạo sân chơi bình đẳng và là động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Ngoài EU, theo TS. Nguyễn Phương Nam, một số thị trường lớn trên thế giới cũng đang rập rịch áp dụng quy định theo hướng CBAM. Chẳng hạn như Mỹ đang dự định áp dụng “Đạo luật Cạnh tranh sạch” vào năm 2024 và không có thời gian chuyển đổi như CBAM, đồng thời áp dụng ngay với 12 ngành hàng và đưa ra giá carbon ban đầu là 55 USD. Vương quốc Anh và Canada cũng đang tính đến cơ chế tương tự…  TS. Nguyễn Phương Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không chủ động chuẩn bị ứng phó sớm với cơ chế đánh thuế carbon sẽ dễ rơi vào bị động, không chỉ với các hàng hoá vào châu Âu mà sang các thị trường xuất khẩu khác.

Trước thực trạng trên, chuyên gia tư vấn độc lập Nguyễn Phương Nam khuyến nghị 6 nội dung với doanh nghiệp Việt Nam. Đó là cần đa dạng đối tác thương mại; thực hiện đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon theo hướng lâu dài bền vững. Tham gia các dự án bù đắp carbon; đánh giá mức độ thâm dụng carbon – yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định; đầu tư vào đổi mới sáng tạo công nghệ và xem đây giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Cuối cùng tham gia các sáng kiến hợp tác công nghiệp theo các chuyên ngành. Việt Nam hiện có gần 200 nguồn phát thải, mỗi ngành hàng có nguồn phát thải khác nhau nên cần sự tham gia của các chuyên gia kỹ thuật tư vấn cho từng sản phẩm, từng ngành hàng cụ thể của doanh nghiệp.