#kỷ nguyên mới

Giảm dần số lượng tàu khai thác thủy sản

Năm 2023, ngành thủy sản đề ra mục tiêu, cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác thủy sản còn khoảng 3,58 triệu tấn; đồng thời sẽ tập trung nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản bằng các giải pháp tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản, phân bố tàu thuyền khai thác các nghề phù hợp, đặc biệt là giảm dần số lượng tàu cá khai thác, đẩy mạnh chuyển đổi nghề cho ngư dân...
boc-do-hai-san-tai-ben-cang-ca-song-doc-huyen-tran-van-thoi-tinh-ca-mau-pld-1686994226.jpg
Bốc dỡ hải sản tại bến cảng cá Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Theo Cục Thủy sản, cả nước hiện có 86.820 tàu khai thác thủy sản; Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6-dưới 12m là 38.500 chiếc (chiếm 44,34%); tàu cá có chiều dài từ 12-15m là 18.299 chiếc (chiếm 21,08%); tàu cá có chiều dài từ 15-dưới 24m là 27.503 chiếc (chiếm 31,68%); tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên là 2.588 chiếc (chiếm 2,9%).

Tạm ngừng hoạt động vì hiệu quả không cao

Về công nghệ khai thác, hiện nay nhiều tàu khai thác xa bờ lắp máy công suất lớn, trang thiết bị khai thác hiện đại. Một số công nghệ tiên tiến nổi bật như: Lưới vây cơ giới khai thác cá ngừ, sử dụng ánh sáng điện đèn LED và máy dò cá trong nghề lưới vây, lưới chụp mực 4 tăng gông khai thác mực xà ở vùng biển khơi miền trung; lưới vây khai thác cá ngừ ở vùng khơi miền trung và Ðông Nam Bộ,... Ðặc biệt là nghề lưới vây sử dụng máy dò ngang, rê 3 lớp khai thác mực nang, công nghệ bảo quản cá ngừ bằng nước biển.

Hệ thống tàu cá đang có bước phát triển mạnh về liên kết sản xuất. Cả nước hiện có 86 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố với 17.684 đoàn viên và 6.235 tàu có chiều dài từ 15m trở lên (chiếm 20,5% trên tổng số tàu xa bờ). Ngoài ra, cả nước có 4.227 tổ đội sản xuất trên biển đang hoạt động với sự tham gia của 29.588 tàu cá, 179.601 lao động trên các vùng biển. Các mô hình này thường gồm từ 5-10 tàu làm cùng nghề, cùng khai thác trên một ngư trường, có mối quan hệ thân thuộc như cùng dòng họ, anh em hay cùng làng xã... liên kết hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, tai nạn, rủi ro trên biển, về thông tin ngư trường, vận chuyển sản phẩm khai thác được vào bờ hoặc vận chuyển nhiên liệu nước đá cho tàu còn khai thác ngoài biển...

Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành kinh tế khác, ngành khai thác thủy sản Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ðại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga-Ukraine đã và đang tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, các mặt hàng phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo nên trong năm 2022, có giai đoạn các đội tàu phải ngưng/giảm hoạt động khai thác thủy sản.

Mặt khác, tình hình an ninh trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động của tàu cá, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân. Chưa hết, giá cả một số hàng hóa đầu vào phục vụ phát triển thủy sản tăng, nhất là giá xăng dầu và nguồn nhân lực lao động phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân trên biển. Theo phản ánh các chủ tàu cá và các địa phương, với giá dầu cao như hiện nay, khi tàu về bờ kết thúc chuyến biển sẽ có nhiều tàu phải tạm ngừng hoạt động do giá thu mua các mặt hàng thủy sản khai thác từ đầu năm đến nay không tăng, thậm chí có loài hải sản giá trị lại thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Cắt giảm đội tàu khai thác theo lộ trình phù hợp

Nhằm khắc phục các khó khăn, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Cục Thủy sản đã đưa ra nhiều giải pháp cả trước mắt và dài hạn. Trước hết, ngành thủy sản tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là vùng ven bờ để phục vụ việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác của các địa phương. Cùng với đó, nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo ngư trường; đổi mới phương thức phát hành, cung cấp các bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản để ngư dân tiếp cận, biết và sử dụng trong sản xuất. Theo dõi và nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản nhằm chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả. Ðồng thời, phối hợp các đơn vị nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác, nâng cao giá trị sản phẩm.

Mặt khác, ngành thủy sản tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan khai thác thủy sản cho ngư dân; hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác; tăng cường công tác quản lý tàu cá, quản lý ngư trường nguồn lợi trên địa bàn, rà soát xóa đăng ký đối với tàu đã bị mất tích, mục nát không còn khả năng khắc phục...

Một trong những mục tiêu quan trọng sắp tới của ngành thủy sản là cắt giảm lượng tàu cá hiện nay về mức hợp lý và cấu trúc lại để phát triển bền vững hơn. Nói như Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại phiên họp Quốc hội mới đây thì việc giảm số lượng tàu cá cần có lộ trình; giảm số lượng tàu cá nhưng sẽ chú trọng chất lượng đội ngũ ngư dân. Ngành nông nghiệp, thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ còn khoảng 83.000 tàu cá.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án tạo sinh kế cho những ngư dân không làm nghề đánh bắt hải sản trên biển nữa. Bộ sẽ thống kê những nhóm đang khai thác ở vùng biển cần bảo tồn để ưu tiên chuyển đổi nghề trước. Những người này sẽ được hỗ trợ để chuyển sang nuôi trồng thủy sản trên bờ, ven bờ với quy mô hợp tác xã. Ngư dân cũng sẽ được hỗ trợ chuyển sang các nghề khác như làm du lịch biển. Và địa phương giữ vai trò tổ chức mô hình, tập huấn, đào tạo nghề, có chính sách hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp.