Cần làm rõ việc cấp “sổ đỏ” tại khu đất số 38 Quảng Khánh
Phản ánh đến Tầm Nhìn điện tử, ông Phạm Ngọc Lâm (sinh năm 1966, trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết vào ngày 3/2/2021, ông nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 38 phố Quảng Khánh (phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Phạm Hùng.
Thửa đất này được sử dụng nối tiếp do các bên nhận chuyển nhượng và người sử dụng đầu tiên là ông Lê Quang Nhật, sử dụng từ trước năm 2003. Quá trình sử dụng đất của các bên khi nối tiếp nhận chuyển nhượng thửa đất này đều ổn định và không có tranh chấp.
Ông Lâm cho biết: “Người sử dụng đất cũng đã xây dựng nhà ở và thực hiện hoạt động kinh doanh thường xuyên trên thửa đất mà không có bất kỳ tranh chấp với cá nhân, tổ chức nào. Do khi xây dựng công trình, các ông bà nêu trên không xin giấy phép xây dựng nên năm 2019, chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ công trình. Sau đó, công trình được xây dựng lại và chỉ mới bị cơ quan chức năng tháo dỡ vào tháng 10/2020. Suốt quá trình này, người sử dụng đất, chủ đầu tư xây dựng công trình vẫn được chính quyền địa phương ghi nhận và thông báo là bà Lê Thị Hằng”.
Cùng chia sẻ về sự việc, ông Nguyễn Đăng Quân (trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết, ông nhận chuyển nhượng mảnh đất tại số 38 phố Quảng Khánh từ các bên nối tiếp nhận chuyển nhượng. Người sử dụng đất đầu tiên là ông Nguyễn Sỹ Cường và ông Lê Quang Nhật, sử dụng từ trước năm 2001, có nhà trên đất. Đến nay, ngôi nhà này vẫn còn tồn tại và ông vẫn đang cho người ở và trông nom ngôi nhà.
Theo ông Lâm, sau khi mua đất, ông rất bất ngờ về việc mảnh đất của ông và ông Quân đã được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư thành đất ở vào năm 2016.
Năm 2017, UBND quận Tây Hồ đã cấp 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại thửa đất số 95 (IP) tờ bản đồ số 52 tại tổ 8 (nay là tổ 3) có địa chỉ tại số 38 phố Quảng Khánh cho ông Nguyễn Hồng Hải và bà Trần Thị Thu Trang, ông Trần Ngọc Thắng và bà Trịnh Thị Ngà, ông Lâm Văn Nam và bà Hoàng Thị Thảo.
Tại thời điểm UBND quận Tây Hồ cấp GCNQSDĐ, thửa đất này đã được bà Hằng sử dụng từ năm 2007, bà Hằng còn xây nhà để ở, kinh doanh. Trong suốt quá trình xây dựng, sử dụng nhà để ở và kinh doanh không có bất kỳ tranh chấp với cá nhân, tổ chức nào, bà Hằng cũng đã đăng ký sử dụng điện nước ổn định tại đây từ trước đến nay.
Đến ngày 4/9/2019, sau khi UBND quận Tây Hồ cấp GCNQSDĐ nêu trên được hơn 2 năm thì UBND phường Quảng An vẫn ra thông báo ngôi nhà của bà Lê Thị Hằng vi phạm về trật tự quản lý xây dựng và yêu cầu tháo dỡ công trình tại thông báo số 178/TB-UBND (TTXD).
Sau khi bị tháo dỡ, bà Hằng một lần nữa xây dựng lại căn nhà khác. Đến ngày 18/3/2020, bà Hằng chuyển nhượng thửa đất nêu trên cho ông Lê Văn Sơn, khi đó trên thửa đất vẫn có một căn nhà được xây dựng sẵn.
Nhưng tại thời điểm đó, ông Sơn chưa tiến hành các thủ tục đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất với chính quyền địa phương và ông Sơn vẫn tạm giao cho bà Lê Thị Hằng tiếp tục quản lý vì ông Sơn là bố đẻ của bà Lê Thị Hằng.
Ông Nguyễn Đăng Quân chia sẻ, trên thửa đất ông mua lại đã có nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 2001 và sử dụng đến nay nhưng UBND quận Tây Hồ vẫn cấp GCNQSDĐ CE 056742 cho ông Trần Ngọc Thắng, bà Trịnh Thị Ngà và CE 056740 cho ông Lâm Văn Nam, bà Hoàng Thị Thảo chồng lên mảnh đất ông mua.
“Tôi nghi ngờ về việc cấp GCNQSDĐ lần đầu với mảnh đất trên, các cá nhân có liên quan đã thực hiện xác minh, thẩm tra, thẩm định trên thực địa không đúng sự thật, không đúng đối tượng”, ông Quân cho biết.
Cấp giấy phép xây dựng khi đang có đơn khiếu nại?
Trả lời báo chí, lãnh đạo UBND phường Quảng An cho biết, thửa đất số 95 (IP) tờ bản đồ số 52 có nguồn gốc là đất nông nghiệp, giao cho một hộ dân sử dụng, sau đó hộ dân đấy chuyển nhượng cho người khác.
Hiện tại, thửa đất này được chia làm 2 phần, phần bên ngoài có chiều sâu khoảng 5m và chạy dọc đường Quảng Khánh là đất công do UBND phường quản lý, phần bên trong là đất nông nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng và cấp cho 3 hộ dân. Hiện tại, ba hộ dân này đã được cấp giấy phép xây dựng vào cùng ngày 13/1/2021.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Lâm cho biết, từ đầu tháng 12/2020, ông đã có đơn khiếu nại gửi đến UBND Quận Tây Hồ về quyết định số 3827/QĐUB ngày 27/12/2016 của UBND quận Tây Hồ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư thành đất ở.
Đồng thời, khiếu nại việc xác minh, thẩm định để cấp GCNQSDĐ lần đầu không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng cho những người không có nguồn gốc sử dụng hợp pháp là các ông Nguyễn Hồng Hải và bà Trần Thị Thu Trang, ông Lâm Văn Nam và bà Hoàng Thị Thảo, ông Trần Ngọc Thắng và bà Trịnh Thị Ngà.
Ngày 30/12/2020, tại UBND phường Quảng An, ông Phạm Hùng và bà Trần Thị Thu Trang - người đại diện cho 3 hộ được cấp GCNQSDĐ đã có buổi làm việc, hòa giải tại phường Quảng An. Tại buổi làm việc này, bà Trang chỉ đưa ra được 3 giấy tờ về quyền sử dụng đất bản photo còn ông Hùng đưa toàn bộ giấy tờ bản chính các bên nhận chuyển nhượng nối tiếp nhau.
“Các bên đã thống nhất đề nghị UBND phường Quảng An kết thúc hòa giải và lập biên bản hòa giải không thành, ban hành thông báo kết quả hòa giải theo quy định”, ông Lâm cho biết.
Ngày 4/1/2021, người trực tiếp sử dụng đất tiếp tục nộp đơn đề nghị xác minh quá trình cấp các GCNQSDĐ tại địa chỉ này có được thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đất đai, có được cấp đúng đối tượng không, các giấy chứng nhận có bị làm giả hay không đến nhiều cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại 3 thửa đất này.
“Tại sao trong khi cả 3 thửa đất đang có tranh chấp (bao gồm cả thửa đất của tôi và ông Nguyễn Đăng Quân) thì vào ngày 13/1/2021, UBND quận Tây Hồ lại ký văn bản cấp 3 giấy phép xây dựng nhà ở trên cả 3 thửa đất cho 3 hộ gia đình kia?”, ông Lâm bức xúc.
Thiết nghĩ, những vấn đề liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ và việc cấp giấy phép xây dựng mà người dân phản ánh như trên cần sớm được UBND quận Tây Hồ xem xét, xử lý./.