Sáng 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, những tháng đầu năm 2023, định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo, giải quyết một số kiến nghị nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy Hải Dương phát triển nhanh, bền vững.
Cuộc làm việc nhằm tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng.
Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
Báo cáo của Tỉnh ủy Hải Dương và các ý kiến tại cuộc làm việc đánh giá tỉnh đã và đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ với việc cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, đề án, kế hoạch.
Tỉnh đã cho thấy có sự đổi mới tư duy, sáng tạo và có cách tiếp cận mới về định hướng phát triển Hải Dương; từng bước lan tỏa khát vọng, quyết tâm trong toàn hệ thống chính trị.
Nhờ đó, năm 2022, dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng Hải Dương vẫn đạt những kết quả nổi bật. GRDP tăng 9,14% (cao hơn bình quân cả nước, xếp thứ 27/63 cả nước, thứ 8/11 vùng Đồng bằng sông Hồng); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp, xây dựng 62,4%, dịch vụ 28,9%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,7%). Hiện, quy mô kinh tế Hải Dương xếp thứ 11/63 cả nước, thứ 5/11 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,2%, xuất khẩu đạt 11,45 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 21.000 tỷ đồng (tăng 36%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52.100 tỷ đồng.
Nông nghiệp phát triển theo hướng giá trị gia tăng cao (sản xuất theo quy trình GAP, sản phẩm OCOP), giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 187 triệu/ha đất; đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).
Tỉnh cũng thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng, tăng cường hợp tác các địa phương trong khu vực (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình); chú trọng công tác quy hoạch (hoàn thành phê duyệt quy hoạch 10/12 đơn vị hành chính cấp huyện), phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh, chất lượng dịch vụ hành chính công được nâng lên, nhất là dịch vụ công trực tuyến (Chỉ số PCI, Par Index, SIPAS trong nhóm dẫn đầu cả nước).
Chất lượng giáo dục xếp trong nhóm các địa phương dẫn đầu, học sinh giỏi quốc gia xếp 3/63 cả nước; trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỉ lệ 76,6%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 31,5%. Tỉnh chú trọng phát triển văn hóa, tỉ lệ làng, khu dân cư văn hóa đạt 92%, tỉ lệ cơ quan văn hóa đạt 86%.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai toàn diện, có nhiều tiến bộ; tình hình của Đảng bộ và nhân dân ổn định.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Năm 2045, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông; đảm nhiệm vai trò đầu mối giao lưu kinh tế-xã hội giữa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân trên 9%/năm.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng, tỉnh xác định quan điểm tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm là "Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương".
Tỉnh xác định chiến lược phát triển gồm: Bốn trụ cột - ba nền tảng - một trung tâm, ba đô thị động lực-bốn trục phát triển.
Bốn trụ cột gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp đa giá trị; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị.
Ba nền tảng gồm: Văn hóa và con người Hải Dương; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Một trung tâm và ba đô thị động lực gồm: Trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương và các đô thị động lực Chí Linh, Kinh Môn, Bình Giang.
Bốn trục phát triển gồm: Trục Bắc-Nam, trục Đông-Tây phía Bắc, trục Đông-Tây trung tâm, trục dọc các tuyến sông.
Hội tụ rất nhiều yếu tố, điều kiện thuận lợi cho phát triển
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với báo cáo và các ý kiến phát biểu; ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả rất cơ bản, Thủ tướng cho rằng, việc thu hút vốn FDI chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chưa có nhiều các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao.
Phát triển doanh nghiệp còn hạn chế; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh còn chậm, hiệu quả chưa cao. Hiệu quả sử dụng đất đai phải nâng cao hơn nữa. Tỉnh đã cân đối được ngân sách, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Cùng với đó, vấn đề an sinh xã hội cần được quan tâm hơn. Huy động nguồn lực nhiều hơn cho các lĩnh vực văn hóa, biến di sản thành nguồn lực, tài sản. Có kế hoạch và thúc đẩy tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và giải ngân đầu tư công. Giải quyết dứt điểm và làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa các vụ việc vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích, làm rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Hải Dương. Theo đó, Hải Dương hội tụ rất nhiều yếu tố, điều kiện (cả thiên nhiên, lịch sử, cơ sở hạ tầng và con người) thuận lợi cho phát triển.
Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân (Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh…).
Với diện tích 1.670 km² (thứ 52/63 cả nước), Hải Dương có vị trí địa lý quan trọng nằm ở trung tâm Ðồng bằng Bắc Bộ, thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, trong không gian phát triển vùng Thủ đô Hà Nội, gần 3 cực tăng trưởng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương khác trong vùng đang phát triển mạnh mẽ.
Tỉnh có hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều quốc lộ chạy qua, nhất là cao tốc Hà Nội-Hải Phòng…, đường sắt, đường thủy. Tỉnh tuy không có cảng biển và sân bay, nhưng rất gần cảng biển và sân bay.
Tỉnh có vùng đồi núi đồi núi thấp ở phía Bắc phù hợp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, vùng đồng bằng màu mỡ phù hợp với nhiều loại cây trồng; có một số khoáng sản trữ lượng lớn cho ngành vật liệu xây dựng (đá vôi, cao lanh, đất sét…).
Hải Dương đã tạo được nền tảng căn bản (công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng 41,4%, có các ngành công nghiệp chủ lực như ô tô, thép, linh kiện điện tử…) và còn tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp, có hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch và đi vào hoạt động (tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp trên 85%).
Tỉnh cũng có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch với bề dày văn hoá, văn hiến lâu đời, nhiều di sản văn hoá (trong đó có 4 Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; Văn miếu Mao Điền và quần thể di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia).
Hải Dương có lực lượng lao động dồi dào, trình độ chuyên môn cao (dân số trên 2,1 triệu người, thứ 8/63 cả nước); người Hải Dương năng động, sáng tạo, trung dũng, kiên cường. Có các trường đại học trên địa bàn, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực đa ngành.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường
Đánh giá cao tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, phương châm hành động của tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Theo đó, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó.
Tổng kết thực tiễn, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả, ví dụ như việc tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại; hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ trên tinh thần công khai, minh bạch để chọn được người tài.
Về định hướng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả chiến lược "Bốn trụ cột - ba nền tảng - một trung tâm, ba đô thị động lực - ba trục phát triển" với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên các trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế khác biệt, cơ hội nổi trội; tận dụng sự lan tỏa của các trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Phát huy tiềm năng về con người, truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, chú ý hơn việc bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. "Hải Dương đất hẹp người đông, phải chú ý khai thác tiềm năng con người nhiều hơn và khai thác đất đai hiệu quả, tiết kiệm hơn", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng đánh giá cao mục tiêu tỉnh đề ra cho các giai đoạn tiếp theo, thể hiện rõ quyết tâm, khát vọng, nhận thức về vai trò, vị trí của tỉnh trong sự phát triển của vùng và cả nước.
Hoàn thiện quy hoạch, phát huy giá trị di sản văn hóa
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển. Coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược; bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Quy hoạch phải có tính ổn định, lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ, phù hợp nguồn lực. Những vị trí thuận lợi nhất phải dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người dân.
Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công-tư, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn xã hội; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư kết nối giao thông với Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh…, kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để sân bay, cảng biển gần hơn, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, mở ra không gian phát triển mới.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa phát triển các doanh nghiệp lớn, vừa nâng cao năng lực cho doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng (cơ khí, chế tạo máy, thiết bị, thiết bị điện, điện tử, hoá chất, phụ trợ…) theo hướng nâng cao nội địa hóa, thiết kế sản phẩm. Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP. Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, sản phẩm, dịch vụ đặc thù.
Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống, biến di sản tài sản, thành nguồn lực phát triển. Nghiên cứu, quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư vào Khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận Quần thể di tích "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hình thành chuỗi di sản và phát huy tốt nhất giá trị các di sản này.
Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa khu công nghiệp.
Coi trọng đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của sự phát triển. Muốn phát triển văn minh, hiện đại thì phải có con người của xã hội công nghiệp, văn minh, hiện đại.
Tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ, biểu hiện "lợi ích nhóm", "thao túng chính sách".
Chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời cụ thể các đề xuất, kiến nghị của Hải Dương.
Cho thêm ý kiến về các nội dung này, Thủ tướng cơ bản nhất trí, giao các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp chung kiến nghị của các địa phương (trong đó có Hải Dương) trong quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi Luật Đất đai…, trong đó có nội dung ủy quyền cho cấp tỉnh phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất từ 10 ha đất trồng lúa trở lên, từ 20 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Thủ tướng cũng nhất trí về chủ trương đầu tư xây dựng công trình nút giao lập thể giữa Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 17B tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành để giải quyết tình trạng tắc nghẽn và hạn chế tai nạn giao thông rất phức tạp tại khu vực, tạo ra kết nối đồng bộ, liên vùng hệ thống đường giao thông trọng điểm, huyết mạch khu vực đồng bằng Bắc Bộ, gồm đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18 và các tuyến đường đã được quy hoạch; tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho các huyện Kim Thành, Kinh Môn của tỉnh Hải Dương và các tỉnh, thành phố lân cận…