Cụ thể, hai phương án mà UBND TP. Cần Thơ đưa ra gồm:
Phương án 1: Dự án sẽ bắt đầu từ vị trí giao Quốc lộ 80 (ở khu vực Đông Nam TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp); Sau đó đi giữa khu vực quy hoạch hai khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai, rồi vượt sông Hậu tại vị trí cách phà Thới An - Phong Hòa khoảng 2,5km về phía thượng lưu (thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ);
Tuyến tiếp tục đi về phía Tây, giao Quốc lộ 91 ở phía Bắc cầu Ô Môn hiện tại, qua khu vực Viện lúa ĐBSCL và song song với đường tỉnh 922E (phía Tây thị trấn Thới Lai) để đi về phía huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Tổng chiều dài dự án theo phương án này là khoảng 69km.
Phương án 2: dự án bắt đầu từ vị trí nút giao tuyến tránh TP Sa Đéc (đường tỉnh 852B) với tuyến N1 quy hoạch (phía Đông Nam TP Sa Đéc). Sau đó đi giữa khu vực quy hoạch hai khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai và nhập vào hướng tuyến của phương án 1.
Phương án này dự án có chiều dài toàn tuyến liên vùng khoảng 70km.
Theo TP. Cần Thơ, việc đưa ra hai phương án trên là kết quả từ buổi làm việc giữa địa phương này với nhà tài trợ là Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm tạo sự đầu tư đồng bộ và hiệu quả liên kết vùng của dự án.
Do đó, Cần Thơ đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét, có ý kiến về việc đầu tư tuyến kết nối vào cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu theo hai phương án nêu trên để UBND TP.Cần Thơ làm cơ sở báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ.
Theo dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án cầu Ô Môn là khoảng 7.000 tỉ đổng. Trước đó, UBND TP. Cần Thơ vừa đã công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hỗ trợ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương cho thành phố thực hiện các dự án.
Trong đó có dự án xây dựng cầu Ô Môn nối TP. Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp. Nguồn vốn ngân sách trung ương mà TP. Cần Thơ đề nghị hỗ trợ dự án là 2.500 tỉ đồng. Còn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác 4.500 tỉ đồng.