Hàng loạt dự án điện gió ở Quảng Trị gặp khó trong giải phóng mặt bằng

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang dần trở thành thủ phủ điện gió Việt Nam. Hàng loạt dự án được xây dựng và các nhà đầu tư đang chạy đua để kịp thời hạn hưởng giá ưu đãi. Tuy nhiên, chính điều này khiến cho các nhà đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Những ngày này, đường vào các xã Hướng Linh, Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị xe tải rầm rầm chạy ngày đêm, bụi bay mù mịt. Những ngọn đồi được xẻ để nhường đường cho xe vận chuyển vật liệu, thiết bị vào công trường các dự án điện gió.

Hướng Hóa thực sự trở thành thủ phủ điện gió của Quảng Trị khi trong 22 xã, thị trấn trong huyện thì một nửa số xã có nhà đầu tư điện gió. Chỉ riêng xã Hướng Linh đã có tới hơn 10 dự án. Xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Thành, Tân Liên,... đều có các dự án điện gió đang triển khai. Nếu tính cả các dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch thì điện gió phủ kín cả vùng núi non này.

Anh 1
Huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đang dần trở thành thủ phủ điện gió Việt Nam)

Tuy nhiên, điều đang cản trở việc thi công các dự án chính là vấn đề giải phóng mặt bằng cho phần trụ cột và đường dây. Ông Võ Duy Tấn, Giám đốc công ty CP điện gió Phong Liệu chia sẻ: "Một số hộ đưa ra yêu sách gấp 4 - 5 lần giá chúng tôi đang làm. Ví dụ như trụ VT28, diện tích thu hồi vĩnh viễn 360m2 hộ dân yêu cầu thu hồi hết đất với giá bồi thường 4 tỷ đồng".

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã có buổi làm việc với Công ty CP Cao su Khe Sanh và một số chủ đầu tư dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Báo cáo được trình bày tại buổi làm việc chỉ rõ, các dự án điện gió gặp vướng mắc đền bù, giải phóng mặt bằng là Amaccao Quảng Trị 1, Tài Tâm và Hoàng Hải.

Theo các chủ đầu tư, giá đền bù, hỗ trợ đang được đẩy lên mức rất cao, ngoài khả năng chi trả; người dân yêu cầu chủ đầu tư phải mua nguyên thửa đất với số tiền chênh lệch quá lớn so với đơn giá được nhà nước quy định.

Anh 2
Các dự án điện gió gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng)

Bên cạnh đó, trên diện tích đất quy hoạch cho các dự án điện gió có trùng khoảng 37 ha diện tích đất của Công ty CP Cao su Khe Sanh, do đó, việc thu hồi, chuyển giao đất còn gặp nhiều vướng mắc.

Đại diện Công ty CP Cao su Khe Sanh cho biết, do công ty tốn nhiều kinh phí để cải tạo mặt bằng nên đề nghị các doanh nghiệp làm điện gió hỗ trợ lại kinh phí đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã giao UBND huyện Hướng Hóa tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai dự án, không để tình trạng người dân cản trở thi công công trình xảy ra trên địa bàn.

Đồng thời cũng yêu cầu các nhà đầu tư rút kinh nghiệm về việc tổ chức đền bù không thông qua tư vấn của địa phương trong việc định giá dẫn đến giá đền bù của dự án trước gây khó khăn cho dự án sau này.

Về với việc xử lý diện tích đất dự án điện gió liên quan đến đất sản xuất của Công ty CP Cao su Khe Sanh, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu, các đơn vị chủ động bàn bạc đi đến thống nhất giải quyết, trên cơ sở tạo điều kiện để hai bên cùng có lợi, cùng đạt đến mục tiêu phát triển lâu dài, xây dựng, giữ gìn mối quan hệ giữa nhà đầu tư và người dân để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội.