Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương: Đẩy mạnh kết nối nguồn lực

Bích Ngọc

10/10/2022 14:36

Theo dõi trên

Sau gần 10 năm xây dựng, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia Việt Nam đã có hình hài rõ nét với thành quả bước đầu. Các kỳ lân đã xuất hiện, lượng vốn đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp tăng trưởng rõ rệt qua từng năm. Thấy rõ những cơ hội mà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang lại, các địa phương như Đà Nẵng, Huế… cũng đang chuyển mình.

Chuyển mình cho khởi nghiệp

Điểm dừng chân đầu tiên của Techfest 2022 là Sơn La – một tỉnh miền núi cách Hà Nội hơn 300km. Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC) tin rằng, giá trị của khởi nghiệp nằm ở chỗ, găn đổi mới sáng tạo với các tiềm năng và sản phẩm đặc hữu của Sơn La để giúp tỉnh này trở thành tâm điểm về khởi nghiệp ở khu vực Tây Bắc Bộ. Với tinh thần ấy, từ Sơn La, Techfest đã đến Hải Phòng, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, Techfest quốc gia sẽ được tổ chức ở Bình Dương vào tháng 12/2022.

f23gian-hang-thuc-te-ao-tech-mart-viindoo-1665387253.jpeg
Một người dùng trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại Techfest Hải Phòng 2022. Ảnh: Vietnamplus

Tuy nhiên nguồn lực trong nước là chưa đủ. Việc xây dựng mối liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với khu vực và quốc tế là bước đi quan trọng tiếp theo để tận dụng nguồn lực về vốn, mạng lưới chuyên gia, cố vấn. Bởi vậy, một chương trình trao đổi chia sẻ trực tuyến quốc tế với năm điểm cầu trong nước Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh) và hai điểm cầu quốc tế Pháp và Hàn Quốc đã được tổ chức để đi tìm lời giải.

Có thể thấy, hiện trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các địa phương muôn hình vạn trạng. Đà Nẵng cho thấy sự phát triển của một thành phố năng động và đang đầu tư nhiều nguồn lực, bao gồm cả chính sách, cho khởi nghiệp. Cụ thể, theo chị Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, thành phố đã thành lập hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, hình thành được chín không gian làm việc chung, hai không gian sáng tạo cho giới trẻ, mười câu lạc bộ khởi nghiệp và sáu vườn ươm. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng vận động thành lập được bốn quỹ đầu tư mạo hiểm với tổng nguồn tiền cam kết lên tới 1600 tỷ đồng.

“Mô hình điều phối khởi nghiệp của thành phố là mô hình đối tác công tư kết nối toàn bộ hệ sinh thái với nhau. Chủ tịch của mô hình cũng là Phó chủ tịch Thành phố. Đội ngũ chuyên gia còn đến từ các trường đại học, chuyên gia vươn ươm, các tập đoàn, doanh nghiệp. Bằng kinh nghiệm, ban lãnh đạo của mô hình sẽ tham vấn cho thành phố chủ trương, chính sách về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” - chị Vũ Thị Bích Hậu cho biết.

Đà Nẵng cũng cho thấy sự năng động khi sớm đăng cai tổ chức Techfest quốc gia vào năm 2018 và thường xuyên tổ chức các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp. Đến cuối năm nay, Sở KH&CN tiếp tục tổ chức một sự kiện đổi mới sáng tạo có quy mô lớn để thu hút sự quan tâm chú ý của thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

“Ngay cả việc chủ động trở thành một điểm cầu trong sự kiện ngày hôm nay cũng cho thấy Đà Nẵng đang chuyển mình để đón lấy các cơ hội đầu tư cho khởi nghiệp. Đây là một trong những hình thức kết nối ngang trong hệ sinh thái, giữa chính quyền với chính quyền, chính quyền với nhà đầu tư, huấn luyện viên khởi nghiệp”- bà Hậu nói thêm.

Cách đó không xa, lãnh đạo Thừa Thiên Huế cũng có niềm tin rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ mở cánh cửa ra thế giới. Theo TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế, tỉnh này chọn AI là công nghệ lõi nền tảng cho sự phát triển của khởi nghiệp.Từ AI, Huế sẽ đặt trọng tâm để phát triển một số ngành trọng điểm như du lịch thông minh, hệ sinh thái đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.

Để hiện thực hóa các dự định này, các đại diện của Thừa Thiên Huế, trở thành đồng trưởng làng công nghệ AI, fintech, du lịch ẩm thực, nông nghiệp công nghệ cao để chia sẻ và nâng cao cơ hội kết nối với mạng lưới chuyên gia từ Techfest.

Tuy nhiên, trong 63 tỉnh thành, không phải tỉnh nào cũng giống Huế hay Đà Nẵng. Điển hình tại Thái Nguyên, một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng manh nha hình thành với sự tham gia của quỹ đầu tư, nhà quản lý, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động mới diễn ra trong địa bàn tỉnh với các hoạt động như tập huấn, nâng cao năng lực nhận thức của sinh viên về khởi nghiệp. Các ý tưởng bước ra từ các cuộc thi chưa thể biến thành startup, tăng trưởng vượt trội để mang lại lợi nhuận.

“Diễn đàn này mang tới cho tôi cái nhìn khác về việc kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và quốc tế. Sáng kiến thành lập Hội đồng điều phối hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng cần được nhân rộng trên cả nước” – chị Phạm Thị Hiền – Phó Giám đốc Sở KH&CN Thái Nguyên, chia sẻ.

Vượt qua rào cản văn hóa

Làm thế nào để Thái Nguyên khai thác được thế mạnh,có được kết nối với hệ sinh thái của các tỉnh, quốc gia và quốc tế? Bởi các chuyên gia tại hội thảo có nói rằng, “làng khởi nghiệp” trong hệ thống của Techfest có thể hiểu đó là những thứ rất gần gũi thân thuộc và có thể hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Các chuyên gia cho rằng, điều đó đến từ sự cởi mở về tư duy của người lãnh đạo.

Ngay cả ở một tỉnh có số lượng lớn các khu công nghiệp như Bình Dương, TS. Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở KH&CN cũng cho rằng, rào cản lớn nhất đến từ cách suy nghĩ và tiếp cận. Sự khác biệt đến từ ngay quan điểm của Bộ KH&CN và Bộ Tài chính. Nếu như Bộ KH&CN cho rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nghĩa là phải chấp nhận rủi ro, để có hiệu quả lớn phải đầu tư lâu dài, thì quan điểm của Bộ Tài chính là hạn chế rủi ro tối đa và cần có hiệu quả ngay lập tức.

Cái khó còn đến từ chính các thành phần trong hệ sinh thái không biết phải làm gì và vấn đề cần giải quyết. “Đó không phải chuyện mà giám đốc Sở kH&CN ngồi nghĩ một mình mà cần sự kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia khởi nghiệp và doanh nghiệp. Doanh nghiệp là đơn vị tiếp cận với thị trường trực tiếp nên sẽ có câu trả lời tốt nhất cho sản phẩm. Còn nhà nước cần tích cực tham gia vào việc nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp” – ông Long nói.

Đồng tình với suy nghĩ này, TS. Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN dẫn cuốn sách Open Innovation của GS. Henry Chesbrough - ĐH Harvard và cho biết, một trong những rào cản của đổi mới sáng tạo mở đến từ văn hóa. Trong đó, Việt Nam ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa đóng trong đổi mới sáng tạo và nghiên cứu. Nhà khoa học luôn sợ bị mất ý tưởng. Làm đổi mới sáng tạo thì sợ thất bại.

“Khi nói liên kết thì cần có tính mở. Những con người với mục tiêu khác nhau, đến từ những tổ chức khác nhau để ngồi lại với nhau thì cần có tư duy mở. Nếu không chúng ta sẽ chỉ ‘net’ thôi chứ không ‘work’ (được tách ra từ chữ network -PV), nghĩa là các liên kết được tạo thành rồi để đấy chứ không ai vận hành để mang lại kết quả như kỳ vọng” – ông Cường nói.

Dù biết vấn đề này không phải chuyện có thể thay đổi trong một sớm một chiều nhưng đó là chuyện phải làm. Anh Trần Như Tuấn, chuyên gia công nghệ, tài chính đang làm việc tại Pháp – từ đầu cầu Pháp cũng cho rằng, quan niệm và thái độ của cấu phần trong hệ sinh thái vô cùng quan trọng. Để thành công được như ngày hôm nay thì môi trường khởi nghiệp ở châu Âu luôn rất mở và sôi động.

“Điều đó dẫn đến việc startup gọi vốn dễ dàng, chứ không gặp các rào cản từ tâm lý tư duy đến chính sách như ở Việt Nam. So sánh gần hơn các quốc gia đang rất cởi mở như Hàn Quốc, Singapore, Indonesia cũng đã có những sự phát triển vượt trội so với Việt Nam” – anh Tuấn bày tỏ.

Gần hơn, để có sự phát triển sôi động như hiện nay, lãnh đạo Đà Nẵng cũng có nhiều chiến lược phát triển để xây dựng mối liên kết bền chặt với các hệ sinh thái trong nước và quốc tế. Trong đó, “Đà Nẵng vận dụng mô hình đối ngoại nhân dân vào kết nối. Mỗi thành tố trong hệ sinh thái trở thành một sứ giả của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố, mang đi thông điệp hợp tác cả trong và ngoài nước”- chị Vũ Thị Bích Hậu chia sẻ.

Không chỉ vậy, lãnh đạo Đà Nẵng cũng đưa khởi nghiệp vào chương trình đối ngoại của thành phố. Sở KH&CN được cấp kinh phí riêng nằm ngoài kinh phí cấp cho hoạt động khoa học để sử dụng vào việc xúc tiến kết nối đầu tư.

Trong khi đó tại Huế, lãnh đạo Sở KH&CN tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xem xét đưa hoạt động khởi nghiệp vào nhóm các hoạt động trao đổi với doanh nghiệp FDI, nhằm thúc đẩy chuyển giáo công nghệ theo chương trình quốc gia, tiếp cận công nghệ mới của nước ngoài bằng con đường chuyển giao.

“Con đường đa dạng các kết nối sẽ trở thành hướng đi phù hợp để các hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương liên kết được với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và quốc tế”- TS. Hồ Thắng bày tỏ.

Bạn đang đọc bài viết "Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương: Đẩy mạnh kết nối nguồn lực" tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com