#kỷ nguyên mới

Đề án 844 giai đoạn 2021-2025: Phát triển các đơn vị chuyên trách khởi nghiệp

Anh Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc vườn ươm BK Holdings, Giám đốc quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo - BK Fund của trường đại học Bách khoa Hà Nội đã chia sẻ với Khoa học và Phát triển về những kỳ vọng về hoạt động của Đề án 844 trong giai đoạn mới.

Từ 0 đến 1

Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Sau năm năm thực hiện, TechFest đã trở thành ngày hội khởi nghiệp quốc gia với sự tham gia, tề tựu của đầy đủ các cấu phần như startup, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhà cố vấn khởi nghiệp, trường đại học, các tập đoàn công nghệ…

1ccbk-holdings-1-0920522-1647567306.jpeg
Anh Phạm Tuấn Hiệp. Ảnh: VTC

Những điều đó nói lên một điều rất cơ bản rằng, Việt Nam hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp - điều mà trước khi Đề án 844 ra đời, Việt Nam chưa có. Tức là chúng ta đã đi được bước đầu tiên trong công thức của giới khởi nghiệp là ‘zero to one” (từ 0 đến 1).

Ở giai đoạn trước (2016-2020), nhiệm vụ của Đề án 844 là định hình hệ sinh thái khởi nghiệp, truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp. Theo đó, nhiệm vụ chính là phổ biến hoạt động khởi nghiệp tới nhiều người, nhiều trường đại học, nhiều địa phương, nhiều nhà đầu tư, nhà cố vấn khởi nghiệp… góp phần định hình các cấu phần cơ bản của một hệ sinh thái.

Ở giai đoạn 2021-2025, Đề án 844 cần đi sâu vào việc phát triển các đơn vị chuyên trách khởi nghiệp, có năng lực, bám sát xu hướng quốc tế, hình thành được các vườn ươm mạnh, ươm tạo số lượng lớn công ty startup chất lượng, hỗ trợ được cho nhiều công ty khởi nghiệp gọi vốn, phát triển thị trường,… Cùng với sự xuất hiện của các quỹ đầu tư lớn trên thế giới, trong nước cũng hình thành các quỹ nội sinh có quy mô lớn hơn, nhà đầu tư trong nước thay vì đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán sẵn sàng hơn với đầu tư mạo hiểm. Phía các trường đại học ngoài việc giáo dục và đào tạo khởi nghiệp cũng cần những liên kết, chặt chẽ với tập đoàn công nghệ, vườn ươm, quỹ đầu tư…

d1f10-11-3-yyxm-1647567306.jpeg
Không gian sáng tạo khởi nghiệp BKHUP Coworking Space.

Hai năm trở lại đây, tại Techfest, nhiều trường đại học như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân… các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước như Qualcomm, VinGroup,…. có tham gia với nhiều vai trò như trưởng làng, đồng trưởng làng hoặc kí kết thỏa thuận hợp tác. Trong đó, Bộ KH&CN sắm vai trò như bà mối cho những cuộc gặp gỡ, kết nối của tập đoàn công nghệ và công ty khởi nghiệp. Các tập đoàn công nghệ cũng đã cởi mở hơn trong việc chia sẻ nguồn lực, sẵn sàng đầu tư để startup tham gia vào phát triển sản phẩm, mô hình kinh doanh mới, để đôi bên cùng tìm kiếm cơ hội phát triển.

Để những thỏa thuận đó phát huy hiệu quả, chúng ta còn nhiều việc phải giải quyết mà vấn đề đầu tiên là cơ chế chính sách. Việt Nam đang có hơn 20 tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước về công nghệ, công nghiệp đa ngành lớn và chưa có quy định cụ thể nào về luật và dưới luật tạo ra hành lang pháp lý cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào startup.

Bên cạnh đó, cần thẳng thắn thừa nhận, hệ sinh thái mới chưa có nhiều hạt giống tốt để ươm tạo, nuôi dưỡng, giới thiệu cho các tập đoàn công nghệ hay vườn ươm khởi nghiệp.

Đây là thách thức mang tính hệ thống trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn non trẻ. Ở giai đoạn mới, Đề án 844 cần tập trung vào các nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng của startup. Thay vì chỉ có những startup công nghệ phần mềm, các startup công nghệ sâu (deep tech) cũng là cái còn đang thiếu ở Việt Nam.

Trụ cột tiên phong với hạt giống trường đại học

Để giải quyết bài toán trên, tôi cho rằng cần hình thành những trụ cột liên kết tiên phong với hạt giống là các trường đại học. Có thể hiểu là hình thành ra các nhóm G7, G25 trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, giống như mô hình của các nhóm này trong liên kết đào tạo, nghiên cứu trong thời gian qua.

Trường đại học có nguồn nhân lực trẻ, có những nhà khoa học đầu ngành và sở hữu rất nhiều sản phẩm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề của xã hội nên rất cần liên kết đa trường, đa ngành. Đơn cử như ĐH Bách khoa Hà Nội đã hình thành quỹ đầu tư BK Fund và vườn ươm khởi nghiệp BK Holding. Thực tế cho thấy, nếu chỉ đầu tư ươm tạo các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp spin off trong khuôn khổ ĐH Bách khoa Hà Nội là không đủ. Có nhiều vấn đề của xã hội mà một nhóm từ trường Bách khoa Hà Nội chưa đủ mạnh để giải quyết, và cần liên kết thêm với các trường khác như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Dược…

Để trụ cột liên kết này được hình thành cần có các chính sách top down - nghĩa là tác động từ trên xuống và cả từ dưới lên. Nghĩa là xúc tác từ phía lãnh đạo bộ ngành và sự chủ động của các trường trong mạng lưới liên kết. Thực tế cho thấy điều này ở Việt Nam rất hiệu quả. Những vấn đề được lãnh đạo Chính phủ quan tâm, đặt nhiệm vụ sẽ được thúc đẩy nhanh chóng. Tôi mong sẽ có chỉ đạo trực tiếp từ Bộ trưởng Bộ KH&CN cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy vấn đề này.

Bên cạnh đó, trong Đề án 844 cũng cần xây dựng 2-3 nhiệm vụ về hình thành mạng lưới liên kết hợp tác giữa các trường khoa học công nghệ, kỹ thuật để ươm tạo, đầu tư và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo với Đề án 1665 hỗ trợ Học sinh sinh viên khởi nghiệp đang manh nha hình thành ba trung tâm đổi mới sáng tạo ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Tâm điểm của mỗi trung tâm chính là liên kết hợp tác giữa các trường đại học.

Hình dung một cách hệ thống, nếu phía lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành có người lãnh đạo điều phối, tạo điều kiện và liên kết thì phía trường đại học cần sự hưởng ứng từ ban giám hiệu. Mỗi trường cần hình thành đơn vị chuyên trách thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cho cán bộ trong trường, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong đội ngũ sinh viên, giảng viên nhà khoa học, tổ chức hội thi khởi nghiệp liên trường, tham gia hội thảo về khơi nghiệp, xây dựng vườn ươm tạo khởi nghiệp liên trường…

Khi ấy, cụm liên kết đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học sẽ sớm được hình thành và tạo thành yếu tố tích cực thúc đẩy hệ sinh thái, tăng năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các trường.

Trong các cụm liên kết sẽ có trường tiên phong, dẫn dắt và trở thành mô hình tham khảo cho các trường khác. Đơn cử như ĐH Bách khoa, với kinh nghiệm 10 năm trong việc xây dựng vườn ươm, hình thành quỹ đầu tư, chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm, rút ngắn thời gian xây dựng mô hình cho các trường đại học khác. Sự liên kết như vậy cũng giúp nguồn lực hữu hạn như nguồn vốn, mentor, khu làm việc chung… được sử dụng hợp lý giữa các trường. Đơn cử như ở ĐH Bách khoa Hà Nội, với mô hình vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nếu muốn phát triển một doanh nghiệp spinoff về ngành dược, khi hợp tác của ĐH Dược, chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện về công nghệ, trong khía phía ĐH Dược lại có thể sử dụng luôn nguồn vốn đầu tư, lực lượng mentor... từ BK Holding.

Thế giới đã chứng kiến sự thành công của nhiều mô hình như thế ở nước ngoài như ĐH Stanford (Mỹ), ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), ĐH Nanyang (Singapore)… Vì thế, với một động lực mạnh mẽ từ năm 2021 và kết quả mà Đề án 844 đã đạt được, tôi có niềm tin vào sức bật của khởi nghiệp Việt Nam năm 2022.