Nghiên cứu được công bố vào ngày 6/9 trên tạp chí JAMA Pediatrics, và là ước tính thứ ba về số trẻ em bị mồ côi vì đại dịch. Con số 10,5 triệu trẻ em lớn hơn hẳn so với các ước tính trước đó. Ấn Độ, Indonesia và Ai Cập là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các khu vực khác trên khắp Châu Phi và Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Các nghiên cứu trước đó chỉ ước tính khoảng 1,5 triệu trẻ em dưới 18 tuổi đã mất người chăm sóc trong 14 tháng đầu tiên của đại dịch. Nhưng khi đại dịch tiếp diễn, một năm sau, con số đó lớn hơn nhiều lần, đồng tác giả nghiên cứu mới, nhà dịch tễ học Susan Hillis tại Đại học Oxford, cho biết. Trước đại dịch, thế giới có 140 triệu trẻ em mồ côi.
Để đưa ra ước tính, nhóm Hillis dựa vào dữ liệu tử vong vượt mức từ Tổ chức Y tế Thế giới; Viện Đo lường và Đánh giá Y tế ở Seattle, Washington; và The Economist. Tử vong vượt mức là sự khác biệt giữa số tử vong dự kiến dựa trên dữ liệu quá khứ và số tử vong quan sát được trên thực tế - trong trường hợp này là từ ngày 1/1/2020 đến ngày 1/5/2022. Nghiên cứu còn dựa trên tỷ lệ sinh của các quốc gia/khu vực tương ứng. Từ hai dữ liệu này, có thể thấy cứ mỗi cái chết ở một quốc gia cụ thể sẽ ảnh hưởng đến khoảng bao nhiêu trẻ em.
Phân tích của nhóm Hillis cho thấy 7,5 triệu trẻ em mất cha hoặc mất mẹ. Nếu tính cả mất người chăm sóc, con số này lên đến 10,5 triệu trẻ. Ban đầu, kết quả ước tính thấp hơn, nhưng càng có nhiều dữ liệu và xét nghiệm COVID-19 hơn từ các nước có thu nhập trung bình và thấp, số trẻ em bị ảnh hưởng càng, Hillis lưu ý.
“Đối với đứa trẻ, điều gì đã giết cha mẹ chúng không quan trọng, quan trọng là cha mẹ của chúng đã chết", Hillis nói.
Hành động kịp thời
Mất cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể gây hậu quả cả đời cho trẻ em. Ngoài nỗi đau thương mất mát, trẻ em mồ côi có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bị ngược đãi và mắc bệnh mãn tính.
Bất chấp tình huống đau lòng, Hillis nói rằng các chính phủ và cộng đồng có thể cải thiện cuộc sống của trẻ em nếu hành động kịp thời.
Có ba yếu tố là nền tảng để giúp trẻ em phục hồi: hỗ trợ giáo dục; hỗ trợ kinh tế; và hỗ trợ cho cha, mẹ hoặc người chăm sóc còn lại. Nhưng để giúp đỡ, đầu tiên cần nhanh chóng xác định những trẻ em bị ảnh hưởng, nhóm nghiên cứu lưu ý.
Cho đến nay, mới chỉ có Mỹ và Peru thực hiện cam kết hỗ trợ trẻ em mồ côi do COVID-19. Hillis đang tìm cách đưa nghiên cứu này ra công luận để thu hút sự chú ý của nhiều nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu.
Tại Mỹ, 1/5 người trưởng thành bị COVID-19 vẫn còn COVID kéo dài. Do đó, có tới 4 triệu người trưởng thành không tham gia lực lượng lao động, theo Goodman. Cần có thêm dữ liệu, không chỉ về trẻ em mồ côi mà còn về những trẻ có cha mẹ bị mất khả năng chăm sóc trẻ do COVID kéo dài, và tìm ra cách hỗ trợ cả những trẻ em này.
Các ước tính cho thấy đến nay có khoảng 18 triệu người chết vì COVID-19 trên toàn cầu.
Nguồn:
https://www.nature.com/articles/d41586-022-02941-z
https://jamanetwork.com/journals/jamapediatrics/fullarticle/2795650