Tái nhiễm COVID-19 nhiều lần: Những bất lợi cho sức khỏe

Với tình trạng tái nhiễm đang gia tăng, các nhà khoa học cảnh báo, mỗi đợt nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe bất lợi, như hội chứng COVID kéo dài hoặc bệnh tim.

Bác sĩ Ziyad Al-Aly nhận thấy ngày càng nhiều bệnh nhân đến phòng khám của ông tại bang Missouri với tâm thế đã miễn nhiễm với COVID. Từ tháng 3/2022, những bệnh nhân này đã tiêm vaccine COVID đủ cả các mũi cơ bản và bổ sung, gần đây họ cũng đã khỏi bệnh sau khi nhiễm COVID. Họ tự tin là mình không đời nào bị tái nhiễm nữa.

“Tôi bắt đầu tự hỏi, liệu có thật là thế?”, vị trưởng phòng nghiên cứu và phát triển tại Trung tâm sức khỏe cựu chiến binh St. Louis, đồng thời là nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Washington – St. Louis nghi ngờ về khả năng miễn nhiễm và đã đi tìm câu trả lời bằng cách khai thác cơ sở dữ liệu bệnh án của trung tâm.

ae2tai-nhiem-covid-shutterstock-5853-1659931725.jpeg
 

Thực ra người ta đã phát hiện những lỗ hổng về miễn dịch kể cả khi bệnh nhân đã tiêm vaccine và đã từng nhiễm bệnh. Tỷ lệ tái nhiễm đang gia tăng cũng với sự xuất hiện của các biến thể phụ Omicron dễ lây hơn, và thực tế là đã có một số người được ghi nhận nhiễm COVID-19 ba lần hoặc bốn lần. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các biến thể phụ Omicron “tự trang bị” khả năng né tránh được hệ miễn dịch tốt hơn.

Liệu tái nhiễm COVID-19 có gây ra bất kỳ rủi ro thực sự nào cho bệnh nhân hay không?

“Câu trả lời rõ ràng là có”, Al-Aly cho biết. Ông đã xuất bản một nghiên cứu (ấn phẩm tiền xuất bản, chưa được bình duyệt), phân tích hơn 5.6 triệu hồ sơ bệnh án của các cựu chiến binh và nhận thấy mỗi lần tái nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ tử vong – theo mọi nguyên nhân, đồng thời tăng rủi ro dẫn đến các hậu quả bất lợi về sức khỏe như bệnh tiểu đường, mệt mỏi mạn tính, hội chứng COVID kéo dài cũng như các rối loạn về não, tim mạch, huyết học.

Nhưng ông và các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Chúng ta vẫn chưa hiểu nguyên nhân sinh lý bệnh đằng sau thực tế này trên nhóm bệnh nhân là cựu chiến binh – nhóm dân số chủ yếu lớn tuổi, nam giới, và chủng tộc da trắng. Và điều quan trọng là nghiên cứu trên dù có dữ liệu lớn nhưng vẫn chưa đại diện cho toàn bộ dân số, và liệu những điều này có xảy ra tương tự trên các nhóm dân số khác hay không? Chúng ta cũng không rõ liệu các biến thể SARS-CoV-2 mới hơn có gây bệnh nặng hơn hay không, và mất bao lâu để hệ miễn dịch suy giảm đến mức bị tái nhiễm.

“Vẫn còn nhiều ẩn số”, Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết. Ông nhận xét đây là một vấn đề thống kê y học phức tạp, và các nhà khoa học đang cố gắng giải phương trình phức tạp này.

Tái nhiễm virus gây bệnh nhẹ hơn hay nặng hơn?

Thực ra là cả hai khả năng đều có thể xảy ra. Nguy cơ tái nhiễm virus mang lại các hệ quả khác nhau tùy theo loại virus. Đối với sởi, sốt vàng, rubella, chúng ta không cần lo lắng nhiều về lần nhiễm bệnh thứ hai bởi vì một đợt bệnh hoặc chủng ngừa sẽ tạo khả năng miễn dịch lâu dài, giúp ngăn ngừa tái nhiễm hoặc chỉ gây ra một đợt tái nhiễm nhẹ không triệu chứng.

Một số bệnh khác tạo khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, nên dễ gây tái nhiễm. Mức độ nghiêm trọng của đợt tái nhiễm tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như các bệnh nền gây ảnh hưởng lên hệ thống miễn dịch, thời điểm chủng ngừa và sự biến đổi của virus.

Virus cúm đột biến thường xuyên đến mức gây bối rối hệ thống miễn dịch - mỗi lần tái nhiễm cúm không khác gì lần đầu.

Tuy nhiên, như một quy luật, các lần tái nhiễm thường nhẹ hơn so với trước, theo Laith J. Abu-Raddad, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại trường y khoa Weill Cornell phân hiệu Qatar. “Lời giải thích rất hợp lý: Hệ miễn dịch đã được huấn luyện sẵn sàng. Chúng ta có thể gặp các triệu chứng, nhưng đáp ứng miễn dịch nhanh chóng giúp cơ thể kiểm soát được sự nhân bản của virus”.

Nhưng cũng có ngoại lệ. Như virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết gây ra hiện tượng hiếm gặp là khả năng miễn dịch được tạo ra từ lần nhiễm trước đó lại tạo ra các kháng thể vô tình giúp virus xâm nhập tế bào vật chủ.

May mắn là không có bằng chứng cho thấy ngoại lệ tương tự đối với SARS-CoV-2, bởi nếu đúng như vậy thì số người nhập viện có thể đã tăng vọt ngay. Các nhà khoa học nói rằng điều quan trọng là phải tránh được con đường tiến hóa kiểu này của virus.

Các dữ liệu nói gì về tái nhiễm COVID-19?

Rõ ràng là cả miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhờ chủng ngừa đối với COVID-19 đều suy giảm theo thời gian. Nhưng mức độ nghiêm trọng của những lần tái nhiễm vẫn đang được nghiên cứu và tranh luận sôi nổi. Nghiên cứu của Al-Aly, được công bố hồi tháng 6/2022, đã rộ lên trên các phương tiện truyền thông vì cho thấy tình trạng tái nhiễm dường như nặng hơn so với lần đầu mắc bệnh. Nhưng Al-Aly nói rằng nếu chỉ nhìn vào các trường hợp bị nặng mới thấy đáng lo ngại là hiểu sai về phát hiện của ông. Ngay cả các đợt tái nhiễm nhẹ hơn cũng nên được xem xét nghiêm túc.

Ông ví nó như việc phải phòng tránh cháy nhà. “Bạn không thể nói rằng giờ đây mình đã biết cách dập lửa cho ngôi nhà của bạn, và không còn ngại chuyện cháy nhà”. Nghĩa là thay vì để hệ miễn dịch phải gồng gánh thêm lần nữa, điều tốt hơn là tránh bị tái nhiễm ngay ban đầu.

Abu-Raddad đồng ý với quan điểm này. Nghiên cứu của riêng ông, được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine hồi đầu tháng 7/2022, cho thấy những người được chủng ngừa hoặc nhiễm trùng trước đó có nguy cơ tiến triển nặng, nguy kịch hoặc tử vong thấp hơn khoảng 97% so với không tiêm tuy nhiên mỗi lần tái nhiễm sẽ tích lũy nguy cơ với sức khỏe.

Osterholm trông đợi nhiều nghiên cứu tương tự như của Al-Aly về vấn đề tái nhiễm COVID sẽ giúp tăng cường hiểu biết về mức độ nguy hại của các lần tái nhiễm. Ông ví dụ những lần tái nhiễm có thể gây ra tình trạng viêm mạch máu kéo dài, dẫn đến dễ hình thành các cục máu đông và nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ hơn.

Các dữ liệu nói gì về hội chứng COVID kéo dài

Các nhà khoa học lo ngại rằng liệu mỗi lần tái nhiễm có làm tăng nguy cơ tiến triển thành hội chứng COVID kéo dài hay không. Đây còn là một bệnh lý bí ẩn với nhiều triệu chứng khác nhau, kéo dài hàng tháng đến hàng năm sau lần khi mắc bệnh.

Cho đến nay, các bằng chứng và thông tin về mối quan hệ giữa tái nhiễm và COVID kéo dài vẫn còn rối rắm. Một nghiên cứu từ tháng 9/2021 được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy người đã tiêm hai liều vaccine chỉ có nguy cơ gặp các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài bằng một nửa so với những người không được chủng ngừa, nghĩa là vaccine đem lại bảo vệ phần nào chống lại bệnh lý này. Tuy nhiên, nghiên cứu hồi tháng 5/2022 của Al-Aly được công bố trên tạp chí Nature Medicine lại cho thấy chủng ngừa chỉ làm giảm nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài khoảng 15%.

Trong khi đó, nghiên cứu mới nhất của Al-Aly cho thấy những người tái nhiễm COVID thường gặp phải hội chứng COVID kéo dài hơn so với người chỉ bị mắc COVID một lần. Abu-Raddad chỉ ra rằng điều này không đồng nghĩa với việc lần tái nhiễm sẽ nghiêm trọng hơn lần đầu tiên, mà chỉ cho thấy mỗi tái nhiễm sẽ gia tăng nguy cơ bị hội chứng COVID kéo dài.

Trước tiên, các nhà khoa học cần tìm hiểu nguyên nhân của hội chứng này trước khi xác định liệu việc tái nhiễm có đóng vai trò gì hay không. Một số nhà khoa học suy đoán rằng COVID kéo dài do các hạt virus tồn đọng lâu dài trong cơ thể mặc dù giai đoạn nhiễm trùng cấp tính đã qua đi. Một số khác cho rằng nguyên nhân là từ các rối loạn miễn dịch có sẵn từ trước hoặc hệ miễn dịch không được tái thiết lập đúng cách sau một đợt nhiễm trùng. Nhưng người ta vẫn chưa biết rõ ràng là tái nhiễm đóng vai trò khuếch đại hội chứng COVID kéo dài hay đây là vấn đề xác xuất – tái nhiễm càng nhiều lần thì tỉ lệ bị COVID kéo dài càng cao.

Những bí ẩn lớn

Các nhà khoa học cần thêm dữ liệu trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào về mức độ nghiêm trọng của việc tái nhiễm COVID-19. Al-Aly cho biết bước nghiên cứu tiếp theo của ông là điều tra xem liệu các biến thể thống trị hiện nay – BA.4 và BA.5 – có gây ra tái nhiễm nặng hơn so với các biến thể trước đó hay không.

Mặc dù cơ sở dữ liệu của ông chưa thực sự hoàn hảo, nhưng cỡ mẫu khổng lồ với hàng triệu hồ sơ bệnh án mà nó thu thập được sẽ đem lại một số lợi thế nhằm gỡ rối các biến số quan trọng: Al-Aly có thể phân tích tình trạng tái nhiễm giữa các phân nhóm đối tượng nhiễm Delta so với các biến thể Omicron. Liệu BA.4 và BA.5 có thực sự né tránh được miễn dịch do chủng ngừa? Liệu các biến thể có dẫn đến nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài tương tự nhau? “Đây là những câu hỏi mở mà tất cả đều muốn biết”. Abu-Raddad cũng muốn có nhiều nghiên cứu kiểm tra đặc điểm lâm sàng của các lần tái nhiễm. Tuy nhiên, khối lượng công việc rất đồ sộ. Thật khó khăn khi muốn tiến hành sàng lọc sức khỏe toàn diện cho từng người bị tái nhiễm để biết cơ thể họ có bị các tổn thương phức tạp hay không.

Điều cốt yếu vẫn là thời gian. Các nhà khoa học đánh giá rằng trong khoảng một năm rưỡi nữa, hoặc là nhân loại sẽ đối mặt với tình trạng tái nhiễm tồi tệ hơn nhiều, hoặc sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng. Và các nhà nghiên cứu vẫn còn một khoảng thời gian tương đối ngắn để nghiên cứu cách các kháng thể phản ứng với virus.

Nhưng nếu một biến thể mới xuất hiện thì sẽ thiết lập một phương trình hoàn toàn khác. Dự đoán về tiến hóa của virus là điều khó khăn, nhưng ông vẫn lạc quan rằng các nhà khoa học sẽ xử lý tốt hơn vấn đề này.

Trong thời gian chờ đợi kết luận xác đáng, các chuyên gia đều khuyên mọi người hãy tránh bị tái nhiễm, bởi nó có nguy cơ tiến triển thành một bệnh lý rất nghiêm trọng.