Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng tuần tra bảo vệ biên giới. (Ảnh minh họa: bienphong.com.vn) |
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của 3 Nghị định sau: Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 23/2017/NĐ-CP ngày 13/3/2017) quy định xử phạt VPHC trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Bộ Quốc phòng cho biết việc xây dựng Nghị định nhằm khắc phục những bất cập của các nghị định nói trên, đồng thời bổ sung các hành vi VPHC mà các nghị định nêu trên chưa đề cập, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
VPHC trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu bị phạt tới 150 triệu đồng
Dự thảo quy định với mỗi hành vi VPHC trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu thì tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tiền tối đa 75 triệu đồng đối với cá nhân, 150 triệu đồng đối với tổ chức.
Dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Theo đó, hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định; không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, nơi học tập theo quy định… sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 1,4 triệu đồng, thay cho mức 200.000 đồng đến 600.000 đồng quy định tại Nghị định 120/2013/NĐ-CP.
Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung, mô tả rõ hơn hành vi VPHC về dân quân tự vệ, đồng thời nâng mức tiền phạt và bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm để bảo đảm tính răn đe và thuận tiện trong quá trình áp dụng.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung Mục 8a quy định hành vi VPHC, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Làm rõ một số hành vi vi phạm, bổ sung thẩm quyền xử phạt
Đối với Nghị định số 162/2013/NĐ-CP, dự thảo sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn một số hành vi vi phạm để phù hợp tình hình thực tiễn và thuận tiện trong quá trình phát hiện và xử lý vi phạm.
Cụ thể: Bổ sung hành vi vi phạm, tăng mức tiền phạt đối với các hành vi thuyền viên làm việc trên tàu thuyền không có đủ chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên theo quy định hoặc có nhưng hết hạn; thuyền viên không sử dụng thành thạo trang thiết bị cứu sinh, cứu thủng của tàu; không ghi, ghi không đầy đủ, ghi không đúng nội dung nhật ký hàng hải, nhật ký máy hoặc các loại nhật ký khác theo quy định; trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ không sử dụng được hoặc đã hết hạn kiểm định; bố trí hoặc để cho hành khách ngồi không đúng nơi quy định; không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền; tẩu tán, tiêu hủy hoặc vứt bỏ hàng hóa để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát.
Đối với Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, dự thảo sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt đối với một số chức danh để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tăng mức phạt tiền tối đa lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn một số hành vi vi phạm để phù hợp tình hình thực tiễn và thiết kế lại một số điều đảm bảo logic, khoa học trong quá trình nghiên cứu, áp dụng xử lý vi phạm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.