Xi măng đồng loạt tăng giá

Trong bối cảnh giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng, riêng giá điện tăng 4,8% từ ngày 11/10, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã công bố áp dụng bảng giá bán mới với mức tăng phổ biến là 50.000 đồng/tấn.

Nhiều doanh nghiệp xi măng như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn, Xi măng Thành Thắng Group và Xi măng Xuân Thành đã tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn, riêng The Vissai tăng nhẹ 46.300 đồng/tấn.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, chi phí điện chiếm khoảng 15-20% trong tổng chi phí sản xuất xi măng. Do đó, việc tăng giá điện đã trực tiếp tác động đến giá thành sản phẩm và buộc các doanh nghiệp phải tăng giá bán để duy trì hoạt động.

Hiện nay, giá xi măng vẫn đang có sự chênh lệch theo khu vực, giá xi măng tại miền Nam đang ở mức tương đối cao. Đây cũng là khu vực thiếu cung khi chỉ có 8 nhà máy xi măng tại đây với công suất đạt gần 12 triệu tấn tại đây trong khi nhu cầu xi măng lại lớn hơn rất nhiều.

Trước đó, năm 2022, các nhà máy sản xuất xi măng đã có 3 lần tăng giá bán với mức tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân được các đơn vị đưa ra là do giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như xăng dầu, than đá... tăng mạnh khiến giá thành phẩm sản xuất liên tục tăng

Cụ thể, lần điều chỉnh giá xi măng gần đây nhất là tháng 6/2022. Khi đó, có khoảng 15 doanh nghiệp đồng loạt tăng giá bán xi măng thêm 50.000-80.000 đồng/tấn, có loại tăng 140.000 đồng/tấn. Hiện giá xi măng đang ở mức trung bình khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/tấn.

image-20241031101504-1-1730357778.jpeg
Xi măng đồng loạt tăng giá thêm 50.000 đồng/tấn

Trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường nội địa và xuất khẩu xi măng đều giảm sút đáng kể với lượng tiêu thụ chỉ đạt xấp xỉ năm trước còn giá trị xuất khẩu giảm tới 15,1%. VSA cũng dự báo tình hình kinh doanh của ngành xi măng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn đến hết năm nay.

Với xu hướng kinh tế thị trường hiện nay, dù không muốn nhưng các doanh nghiệp trong ngành cũng phải chấp nhận việc tăng giá điện.

Bên cạnh đó, việc tăng giá điện còn tác động đến nhiều loại vật liệu xây dựng khác khiến chi phí xây dựng tăng vọt. Các nhà thầu, đặc biệt là những đơn vị đã ký hợp đồng cố định hoặc trọn gói đang phải đối mặt với áp lực rất lớn.

VNCA cho biết, tăng giá điện buộc đơn vị sản xuất xi măng phải tính toán lại vấn đề sản xuất, thực hiện đẩy mạnh hơn tiết giảm chi phí, sử dụng điện hiệu quả hơn.

Đồng thời, để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, bản thân ngành xi măng đã đặt ra nhiều giải pháp như tự cung cấp một phần điện năng và sử dụng một số nhiên liệu thay thế.

Nhiều doanh nghiệp thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư từ quá trình sản xuất xi măng để phát điện, giúp tự chủ được 25-30% điện. Tỷ lệ các nhà máy áp dụng công nghệ này là 60%, dự kiến sẽ nâng lên 80% vào năm 2025.

Công nghệ này đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước, tỷ lệ các nhà máy xi măng áp dụng biện pháp thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện lên tới 100%. Ngoài ra, một số doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái nhằm phục vụ nhu cầu điện của khối văn phòng trong khu nhà máy.

Một số khác áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung làm nhiên liệu thay thế trong nhà máy Xi măng... Bên cạnh đó, nhiều nhà máy cũng cũng thông qua việc giảm các chi phí trong hoạt động kinh doanh để gia tăng thêm nguồn lực tạo thêm lợi thế cho thị trường.

Để giúp ngành xi măng vượt qua khó khăn, VSA kiến nghị Chính phủ xem xét việc tăng cường sử dụng giải pháp cầu cạn trong các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, nhằm thúc đẩy tiêu thụ xi măng nội địa.

BÀI LIÊN QUAN