Xây dựng Hoà Bình: Trong nước gặp khó muốn ra nước ngoài không dễ

Trong bối cảnh thị trường xây dựng trong nước chững lại và áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các nhà thầu, Công ty Cổ phần tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) định hướng sẽ đẩy mạnh phát triển ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của VCBS thì cần thêm thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả.
image-20220829145729-1-1661826017.jpeg
VCBS cho rằng, trong giai đoạn 1-2 năm tới HBC vẫn đối mặt với những khó khăn đáng kể từ sự chững lại của thị trường bất động sản và nguồn tài chính bị thắt chặt của các chủ đầu tư, trong khi chiến lược phát triển ra nước ngoài sẽ cần thêm thời gian để chứng minh hiệu quả lợi nhuận. Ảnh minh hoạ.

Theo kế hoạch của ban lãnh đạo, hoạt động cung cấp dịch vụ xây dựng tại thị trường nước ngoài sẽ trở thành động lực tăng trưởng chủ đạo của HBC trong thập kỉ tới xét tới các yếu tố: (1)Thị trường xây dựng thế giới có quy mô lớn gấp nhiều lần thị trường trong nước; (2) Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để cung cấp dịch vụ xây dựng trên thị trường quốc tế nhờ mặt bằng giá nhân công và nguyên vật liệu rẻ, trong khi các nhà thầu Trung Quốc (đối thủ cạnh tranh chính) hiện không còn dễ dàng để tiếp cận thị trường tại các nước phát triển.

Trong giai đoạn vài năm tới, HBC lựa chọn 4 thị trường làm trọng điểm phát triển: Ontario (Canada), Úc, Texas (Mỹ), EU và chiến lược xâm nhập thị trường được thực hiện theo hai hướng: (1) M&A các doanh nghiệp xây dựng tại thị trường địa phương; (2) Thực hiện tham gia góp vốn vào các dự án bất động sản trong khu vực để lấy lợi thế cung cấp dịch vụ tổng thầu thi công. Một số hợp đồng hợp tác đầu tiên tại Úc và Canada dự kiến sẽ được kí kết trong nửa cuối năm 2022 và có thể bắt đầu khởi công từ cuối năm 2023.

image-20220829145729-2-1661826038.png
 

Tuy vậy, VCBS cho rằng cần thêm thời gian để đánh giá tính hiệu quả từ hoạt động xây lắp tại thị trường nước ngoài. Bởi, theo VCBS, ngay cả khi HBC thực hiện cung cấp dịch vụ thầu xây dựng tại các dự án, hoạt động thi công trực tiếp sẽ vẫn được thực hiện phần nhiều bởi các nhà thầu phụ tại địa phương, do vậy không tạo ra quá nhiều khác biệt về mặt bằng chi phí lao động tại dự án.

Hơn nữa, việc tận dụng lợi thế chi phí vật liệu thấp từ Việt Nam sẽ chỉ khả thi khi hoạt động xây lắp của HBC tại địa phương đã đạt quy mô đủ lớn để thành lập tuyến xuất nhập khẩu mới và thay đổi chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng trong khu vực.

Ngoài ra, mô hình phát triển dựa trên M&A và góp vốn đầu tư vào các dự án thi công đòi hỏi nhu cầu về vốn lớn, tiêu chuẩn cao về quản lý danh mục đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời mang đến những khó khăn nhất định trong việc mở rộng quy mô hoạt động đặc biệt trong giai đoạn đầu.

Trong nửa cuối năm 2022, hiệu quả kinh doanh của HBC được kỳ vọng được khôi phục tích cực nhờ đà giảm của mặt bằng giá vật liệu xây dựng. Tuy vậy, VCBS cho rằng, trong giai đoạn 1-2 năm tới HBC vẫn đối mặt với những khó khăn đáng kể từ sự chững lại của thị trường bất động sản và nguồn tài chính bị thắt chặt của các chủ đầu tư, trong khi chiến lược phát triển ra nước ngoài sẽ cần thêm thời gian để chứng minh hiệu quả lợi nhuận.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, HBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ đồng, sụt giảm 10,6% so với cùng kì. Lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi ghi nhận mức giảm mạnh cùng với sự thu hẹp biên lợi nhuận mảng xây lắp do mặt bằng giá nguyên vật liệu đã ghi nhận xu hướng tăng phi mã trong giai đoạn vừa qua.

VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 của HBC đạt 15.066 tỷ đồng (+32,7% so với năm trước), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 65 tỷ đồng (-36,9% so với năm trước), tương ứng với EPS là 266 đồng/cổ phiếu.