Kết nối cung-cầu, đưa sản phẩm đặc sản vùng miền về Thủ đô

Các hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; đưa sản phẩm đặc sản vùng miền về với người dân Thủ đô.
san-pham-cac-tinh-thanh-duoc-ket-noi-quang-ba-tai-thu-do-pld-1712847624.jpg
Sản phẩm các tỉnh, thành được kết nối, quảng bá tại Thủ đô. Ảnh: VGP/Bích Phương

Tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung-cầu

Từ nhiều năm qua công tác xúc tiến thương mại đã góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông lâm thủy sản. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Nhà nước bằng việc kết nối thị trường, tạo liên kết vùng đã dần hình thành các chuỗi cung ứng lớn và bền vững, từ đó giảm thiểu các hiện tượng bếp bênh về thời vụ.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội có hơn 10,7 triệu người sinh sống, học tập, làm việc, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn rất lớn, trong khi doanh nghiệp Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 30-65% nhu cầu của người dân.

Nhằm đẩy mạnh khai thác các sản phẩm thế mạnh của các địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, những năm qua, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Điều này thể hiện rõ ở việc Hà Nội đã triển khai công tác liên kết cung – cầu tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố giúp các doanh nghiệp của Hà Nội thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều.

"Việc Hà Nội tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm tại nhiều sự kiện, hội chợ…; đưa sản phẩm, nông sản, đặc sản vùng miền đến với người dân Thủ đô, góp phần bình ổn thị trường hàng hóa", bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, Hà Nội cùng với 30 tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động kết nối cung- cầu hàng hóa phục vụ thị trường Thủ đô. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương… làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Hà Nội để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng.

san-pham-cac-tinh-thanh-pld-1712847624.jpg
Sản phẩm các tỉnh, thành được kết nối, quảng bá tại Thủ đô. Ảnh: VGP/Bích Phương

Bên cạnh đó, tổ chức trên 40 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức qua đó giới thiệu 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành đến hệ thống phân phối Hà Nội. Thông qua những hoạt động này, riêng năm 2023 TP. Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ trên 500.000 tấn sản phẩm hàng Việt…

Dưới góc độ doanh nghiệp bán lẻ, đại diện tập đoàn Central Retail cho hay, thông qua hoạt động kết nối giao thương liên kết giữa các vùng, hệ thống siêu thị Big C đã ký kết nhiều thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm nông sản và các mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng dùng nhanh. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh Hà Nam, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị.

Tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc liên kết vùng chưa thực sự chặt chẽ bởi nhiều địa phương còn tư tưởng cục bộ. Ngoài ra một số tỉnh, thành chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, vẫn còn tình trạng các địa phương mạnh ai nấy làm…

Theo bà Vũ Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nhà bán lẻ, đòi hỏi Nhà nước, các đơn vị phân phối và sản xuất cần chung tay xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm của nhà phân phối rất quan trọng, bởi họ nắm rõ người tiêu dùng cần gì, từ đó định hướng cho nhà sản xuất…

nguoi-dan-thu-do-duoc-tiep-can-voi-san-pham-ocop-pld-1712847624.jpg
Người dân Thủ đô được tiếp cận với sản phẩm OCOP, đặc trưng vùng miền thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Ảnh: VGP/Bích Phương

Dưới góc độ cơ quan quản lý, để có thể đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối cung cầu, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, cần phải tập trung thu hút phát triển mạng lưới logicstic, các chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại gắn với các cảng biển, cảng hàng không của Hà Nội và các tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hình thành các sàn giao dịch hàng hóa, hội chợ quy mô lớn.

Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung về sản phẩm chủ lực của các tỉnh. Khi có cơ sở dữ liệu chung sẽ tạo thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng, hướng đến giá cả cạnh tranh…

Về khía cạnh địa phương, năm 2024, thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước theo Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa, tiếp cận, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, giới thiệu các doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối giao thương, hội chợ của Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Phối hợp tổng hợp, cập nhật yêu cầu về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại để thông tin tới các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn để dễ dàng đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại…