Nhiều doanh nghiệp bất động sản muốn bán dự án, bán sỉ sản phẩm để có tiền trả nợ

Bán bớt dự án, bán bớt tài sản để cầm cự không còn là chuyện hiếm kể từ sau khi đại dịch Covid-19 đến nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang chạy đua bán dự án, xoay xở đủ cách để có tiền trả nợ.

Trong tài liệu chuẩn bị cho phiên họp thường niên cuối tháng 10, lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát cho biết đang gặp khó về dòng tiền. Năm 2023, công ty xác định là năm tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp từ công ty mẹ đến công ty con. Đồng thời cơ cấu các khoản nợ đến hạn và cơ cấu tỷ lệ sở hữu tại các công ty con, công ty liên kết.

Để có dòng tiền trả nợ các khoản đến hạn, phát triển dự án, cũng như duy trì hoạt động, Hải Phát sẽ tập trung bán buôn sản phẩm tại dự án như: Dự án Lào Cai, tòa nhà cao tầng dự án Bắc Giang và dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái (giai đoạn 1) tỉnh Quảng Ninh.

Dù vậy, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh hoàn thiện pháp lý cho các dự án đã được giao nhà đầu tư, cần hoàn thiện pháp lý như dự án BT Điện Biên, dự án TM1 Nha Trang, dự án 1,4ha Phú Yên.

Đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm các dự án mới, cơ hội đầu tư mới để có dự án gối đầu cho công ty, đặc biệt là các dự án có thể kinh doanh cho năm 2024-2025. Công ty cũng muốn tập trung nguồn lực để thi công 2 dự án chính ở Bắc Giang và Cao Bằng.

Trước đó, vào tháng 8 năm nay, HĐQT Hải Phát cũng đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng vốn góp tại HP Hospitality Nha Trang - chủ đầu tư khu đất thương mại TM1.

Đây là dự án thuộc khu dân cư Cồn Tân Lập - một trong những vị trí đất vàng tại TP Nha Trang khi nằm giáp cầu Trần Phú, cửa sông Cái chảy ra biển. Trước đó, năm 2017, Hải Phát đã mua lại phần vốn góp tại HP Hospitality Nha Trang từ Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long.

truoc-ap-luc-tra-no-ngan-hang-trai-phieu-cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-phai-xoay-xo-du-cach-pld-1696864416.jpg
Trước áp lực trả nợ ngân hàng, trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản phải xoay xở đủ cách.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty Cổ phần Đầu tư LDG cũng vừa thông qua chủ trương tái cơ cấu tài sản, dự án để trả nợ trái phiếu, ngân hàng.

Cụ thể, LDG sẽ chuyển nhượng 2 dự án gồm Khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà và Khu chung cư lô C1 tại phường Bình An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương do LDG làm chủ đầu tư.

Trong đó, dự án Khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà có tên thương mại LDG Grand Miền Trung, quy mô khoảng 30ha. Năm 2019, LDG nhận chuyển nhượng 99,9% cổ phần tại Công ty cổ phần Hải Duy chủ đầu tư dự án này. Đến 30/6, LDG ghi nhận khoản phải thu dài hạn tại công ty Hải Duy gần 1.340 tỷ đồng.

Không chỉ Hải Phát hay LDG, mới đây Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa thông qua nghị quyết thanh lý tài sản không sinh lợi. Theo đó, doanh nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT muốn bán tài sản gắn liền với đất là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, TP Pleiku.

Hoàng Anh Gia Lai thanh lý khách sạn này để thanh toán một phần nợ trái phiếu HAGL 2016 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). HAGL chưa thông tin về giá bán khách sạn ở Pleiku.

Giới chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, khó khăn về thị trường vốn, doanh nghiệp lại gánh bao nhiêu khoản nợ ngân hàng, trái phiếu. Do đó, việc các nhà phát triển bất động sản bán bớt dự án để trả nợ là điều dễ hiểu.

Sau những giai đoạn tăng trưởng nóng, cùng với một số khó khăn về vốn của nhiều chủ đầu tư, nhu cầu chuyển nhượng dự án được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh trong vài năm tới. Hiện nhiều thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án đang trong giai đoạn đàm phán.

Bà Giang Huỳnh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & S22M Savills TP.HCM, các doanh nghiệp trong nước vẫn sẽ có nhu cầu bán bớt một số tài sản hoạt động kém. Tuy nhiên, các tài sản này có sự thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài hay không lại là câu chuyện khác. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào việc thương lượng giá cả giữa bên bán và bên mua.