Khoa học mở: Nhìn từ góc độ sở hữu trí tuệ

Mỹ Hạnh

24/12/2021 22:18

Theo dõi trên

Nhiều chuyên gia về “mở” và sở hữu trí tuệ đều nhận định, chỉ khi nào trung hòa được quyền và lợi ích của chủ sở hữu kết quả nghiên cứu với cộng đồng xã hội thì vấn đề sở hữu trí tuệ trong khoa học mở mới được giải quyết.

Vào cuối tháng 11 vừa qua, gần 200 quốc gia thành viên của UNESCO đã nhất trí thông qua Khuyến nghị về Khoa học Mở. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích hiển hiện mà khoa học mở có thể đem lại, vấn đề mà nhiều người quan tâm là: khoa học mở và sở hữu trí tuệ ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào?

Mối quan hệ giữa khoa học mở và sở hữu trí tuệ

Sở dĩ câu hỏi trên được nhiều người đặt ra là bởi giữa sở hữu trí tuệ và khoa học mở có tồn tại một vấn đề khá mâu thuẫn. “Tính độc quyền khai thác thương mại các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố hợp thành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, bản chất của khoa học mở lại là chia sẻ”, ông Trần Văn Hải, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý Sở hữu trí tuệ, trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN) cho biết tại hội thảo “Thực trạng và đề xuất phát triển khoa học và công nghệ mở tại Việt Nam” do Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ KH&CN) tổ chức.

ab8phong-thi-nghiem-vnu-khoa-y-duoc-7-1640237453.jpg
Phòng thí nghiệm của Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN. Ảnh: vnu.edu.vn

Trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, hai quyền sở hữu trí tuệ có ảnh hưởng quan trọng đến khoa học mở đó là quyền tác giả đối với tác phẩm và quyền đối với sáng chế. Dù có bản chất mâu thuẫn như đã nói ở trên, tuy nhiên không phải tất cả các quy định về hai quyền này nói riêng cũng như quyền sở hữu trí tuệ nói chung đều không phù hợp với khoa học mở, mà thậm chí nhiều quy định còn hỗ trợ cho khoa học mở.

Chẳng hạn, quyền tác giả là quyền được thực hiện trên nguyên tắc bảo hộ tự động, được phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung và giá trị của tác phẩm hay thủ tục đăng ký bảo hộ tác phẩm. Trên bình diện quốc tế, nguyên tắc bảo hộ tự động còn được hiểu là tại thời điểm một tác phẩm được công bố tại một quốc gia thành viên của Công ước Berne thì ngay lập tức và vô điều kiện tác phẩm này cũng phải được các quốc gia thành viên còn lại của Công ước Berne bảo hộ. Thêm vào đó, quyền này chỉ bảo hộ hình thức thể hiện chứ không bảo hộ nội dung tác phẩm, nên dù tác phẩm đó được bảo hộ bản quyền nhưng “nó không ngăn cản người khác học các ý tưởng hay làm theo nội dung tác phẩm”, ông Trần Văn Hải cho biết. Chẳng hạn, khi một bài báo khoa học về nghiên cứu sử dụng enzym để nâng cao hiệu suất thu hồi dịch quả và hàm lượng lycopenne trong sản xuất nước ép dưa hấu được công bố trên một tạp chí khoa học, thì người khác hoàn toàn có thể làm theo các phương pháp đề cập trong bài viết để thương mại hóa mà các đồng tác giả của bài báo ấy cũng không có quyền ngăn cấm.

Quyền đối với sáng chế cũng có những điểm phù hợp với khoa học mở. Chẳng hạn, theo quy định tại điều 14.1.a. Luật Sở hữu trí tuệ và điều 2.1. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, nội dung của kết quả nghiên cứu cơ bản không được bảo hộ theo pháp luật về sáng chế, mà chỉ bảo hộ bản viết dưới dạng tác phẩm khoa học. Đồng thời, quy định về sáng chế cũng không bảo hộ kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học thuộc nhóm xã hội và nhân văn, mà chỉ có kết quả nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học thuộc nhóm tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, y dược (trừ phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh cho người và động vật), nông nghiệp có thể thương mại hóa độc quyền. “Như vậy, tính ‘mở’ trong khoa học là đương nhiên đối với kết quả nghiên cứu cơ bản trong tất cả mọi lĩnh vực khoa học, kết quả nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học thuộc nhóm xã hội và nhân văn,…”, ông Hải cho biết.

Thêm vào đó, sáng chế còn được bảo hộ dựa trên lý thuyết "phần thưởng" - dành cho chủ sở hữu sáng chế độc quyền khai thác thương mại trong một thời gian nhất định (ở Việt Nam là 20 năm), hết thời hạn này thì sáng chế thuộc về công chúng và bất kỳ ai cũng có quyền khai thác thương mại, ví dụ như quyền sản xuất thuốc gốc (thuốc được cấp bằng độc quyền sáng chế nhưng đã hết hiệu lực bảo hộ). Và để được bảo hộ sáng chế, chủ sở hữu của nó cũng phải “đánh đổi” bằng cách phải bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được. “Điều này đem lại nhiều ý nghĩa cả về khoa học và kinh tế - xã hội khi từ sáng chế đã biết, mọi người có thể tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sáng chế, phát triển sáng chế, đồng thời không lãng phí thời gian, chi phí để nghiên cứu lặp lại”, ông Hải cho biết.

Điểm thiếu tương đồng

Tuy nhiên, giữa tính mở của khoa học mở và tính “đóng” (trong thời điểm nhất định) của sở hữu trí tuệ có một số điểm không tương đồng. Hiện tại, quy định chủ sở hữu phải bộc lộ công khai chi tiết bản chất của sáng chế dù có vẻ phù hợp với khoa học mở trên lý thuyết, nhưng thực ra… chỉ là quy định. “Trong thực tế, chủ sở hữu sáng chế có nhiều cách để người khác không thể thực hiện được sáng chế”, ông Hải cho biết. Ông dẫn ra một ví dụ diễn ra ngay cả tại Hoa Kỳ - một quốc gia được xem là có quy định bảo hộ sáng chế nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Chẳng hạn, bất kỳ ai cũng có thể tìm ra bản toàn văn của một bằng sáng chế do Mỹ cấp về phương pháp bảo quản tỏi, trong đó có các bước như bảo quản bằng không khí nóng ở nhiệt độ từ 40 đến 90°C, rồi tiếp tục bảo quản ở 20 đến 30°C trong 30 đến 50 giờ. Tuy nhiên, bản mô tả trên có ít nhất hai điểm chưa phù hợp với “khoa học mở”. “Thứ nhất, bản mô tả sáng chế được thể hiện trong ‘biên’ nhiệt độ và thời gian quá lớn, thế nên mặc dù bản mô tả này là công khai nhưng có lẽ khó có một chuyên gia nào trong lĩnh vực bảo quản nông sản sau thu hoạch lại có khả năng đọc bản mô tả này và thực hiện được sáng chế”, ông Hải phân tích. Đó cũng là lý do tại sao nếu các hãng sản xuất vaccine COVID-19, chẳng hạn như Pfizer, có đồng ý bộc lộ thông tin về vaccine như kêu gọi của “Cam kết COVID mở”, thì các hãng dược phẩm dù có đủ năng lực công nghệ cũng chỉ có thể tiếp cận được thông tin về chất thể (ví dụ vaccine Pfizer cần hơn 280 nguyên liệu và thành phần khác nhau từ 19 quốc gia) chứ khó có thể giải mã được quy trình/phương pháp để giải quyết bài toán về mối quan hệ giữa 280 nguyên liệu và thành phần khác nhau để tạo nên vaccine Pfizer, trừ trường hợp hãng Pfizer đồng ý chuyển giao công nghệ ấy. “Thứ hai, do nội dung bảo hộ sáng chế cho phép chủ sở hữu sáng chế có quyền ngăn cấm người khác thực hiện phương pháp bảo quản tỏi khô trong cái ‘biên’ lớn như vậy, nên bất kỳ chủ thể nào (dù không biết đến sự tồn tại của sáng chế) nếu bảo quản tỏi khô trong khoảng ‘biên’ này, trong khoảng thời gian và trên lãnh thổ bảo hộ sáng chế, đều có thể bị coi là xâm phạm quyền đối với sáng chế của chủ sở hữu”, ông Hải phân tích.

Đối với quyền tác giả, quy định mà ông Trần Văn Hải cho là “điểm khó khăn lớn nhất” trong việc thực hiện các nội dung của khoa học mở chính là quy định tại Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Theo đó, thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số. “Quy định trên đã cụ thể hóa độc quyền của chủ sở hữu tác phẩm trong việc sao chép, ngăn cấm/cho phép người khác sao chép tác phẩm. Như vậy, thư viện (kể cả thư viện số) – đóng vai trò như một tổ chức trung gian truyền đạt tác phẩm đến công chúng lại không được phép phân phối bản sao tác phẩm (kể cả bản sao kỹ thuật số) đến công chúng”, ông Hải nói.

Làm sao để “một mũi tên trúng hai đích?”

Đối với quyền tác giả, do nhận thấy vấn đề lớn nhất nằm ở quy định thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số, ông Trần Văn Hải đề xuất, “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên nghiên cứu ban hành thông tư để hướng dẫn thi hành Điều 22.2 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, trong đó cần bổ sung: quy định này không áp dụng đối với tác phẩm khoa học là có thể đáp ứng được yêu cầu của khoa học mở”. Đối với các tác phẩm không thỏa mãn khái niệm tác phẩm khoa học (giáo trình, bài giảng, sách tham khảo, bài báo khoa học,...), ông cho rằng nên thực hiện theo quy định của WIPO về cấp phép sử dụng tác phẩm, chẳng hạn như với các giấy phép Creative Commons.

Từ góc nhìn của ông Trần Văn Hải, nhìn chung vấn đề nằm ở chỗ, chủ sở hữu kết quả nghiên cứu cần thu hồi chi phí cho nghiên cứu trong quá khứ để tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu trong tương lai, trong khi đó cộng đồng xã hội lại có nhu cầu tiếp cận kết quả nghiên cứu để phục vụ lợi ích hiện tại, phát triển và cải tiến công nghệ. Thế nên, “chỉ khi nào trung hòa được quyền và lợi ích của chủ sở hữu kết quả nghiên cứu với cộng đồng xã hội thì vấn đề sở hữu trí tuệ trong khoa học mở mới được giải quyết”, ông Hải nhận định.

“Chúng ta không nên mặc định rằng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nghĩa là cản trở tiếp cận khoa học mở hoặc ngược lại, mà chúng ta sẽ cần phải xem xét trên một bình diện rộng hơn”, ông Paolo Lanteri - Cố vấn pháp lý, Ban Luật bản quyền văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo WIPO cũng nhấn mạnh trong một hội thảo về khoa học mở của Bộ KH&CN vào cuối tháng 10. Chuyên gia này cho rằng, quyền sở hữu trí tuệ không phải là một trở ngại đối với khoa học mở mà ngược lại, định nghĩa đúng về sở hữu trí tuệ có thể là một công cụ cần thiết cho khoa học mở để thúc đẩy sự hợp tác và đảm bảo rằng tất cả những người đóng góp chia sẻ dữ liệu khoa học, thông tin và kiến ​​thức của họ đều được thừa nhận và công nhận một cách đầy đủ. “Điều quan trọng là chính sách phù hợp và nhất quán ở cấp vĩ mô”, ông nói.

Nhận định này cũng tương đồng với ý kiến của ông Lê Trung Nghĩa, Phó Trưởng Ban Tư vấn Phát triển Giáo dục Mở (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam). Từ góc độ của một chuyên gia nghiên cứu về “mở”, ông Nghĩa cho rằng, “nếu không có chính sách về mở, mỗi bên sẽ chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Phải có người có thể đứng ra tập hợp, hài hòa hóa lợi ích của các bên liên quan và trong trường hợp này, tôi cho rằng ‘người’ đó phải là Bộ KH&CN”, ông Nghĩa nói. Theo ông, cần phải xây dựng và ban hành càng sớm càng tốt chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia, tốt nhất nên dựa vào hệ thống cấp phép mở Creative Commons - một hệ thống cấp phép mở được thế giới thừa nhận và sử dụng rộng rãi hiện nay cho các tài nguyên mở, bao gồm cả dữ liệu mở. Do quy định về quyền tác giả đã phân tích ở trên, “nếu chúng ta không có chính sách cấp phép mở, chẳng hạn như với các đề tài nghiên cứu sử dụng kinh phí của nhà nước và làm rõ các quyền của người dùng đối với các kết quả ấy ở mức độ nào, thì người dùng lúc nào cũng bị ‘treo trên đầu’ nguy cơ vi phạm bản quyền, và như vậy khó có tài nguyên mở được”, ông Lê Trung Nghĩa nói.

Chính sách của nhà nước cũng sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của những người liên quan đến các dữ liệu. Chẳng hạn, theo ông Lê Trung Nghĩa, đối với các tài liệu, tác phẩm thuộc phạm vi công cộng và đã hết hạn bảo hộ thì cần có các quy định để làm rõ vấn đề: bản quyền của phiên bản số hóa cũng phải nằm trong phạm vi công cộng để tất cả mọi người được tiếp cận chứ không thể thuộc quyền sở hữu của một cá nhân, tổ chức nào. “Đôi khi việc đưa các hiện vật có từ 1.000 năm trước và đã thuộc phạm vi công cộng trở thành một hiện vật dưới dạng kỹ thuật số do ai đó đứng ra số hóa nó nắm bản quyền có thể làm mất cơ hội tiếp cận của tất cả những người còn lại, qua đó làm giới hạn việc quảng bá các hiện vật đó ở tầm thế giới”, ông Nghĩa nói.

 

Bạn đang đọc bài viết "Khoa học mở: Nhìn từ góc độ sở hữu trí tuệ" tại chuyên mục Văn hóa. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com