Không khoan nhượng với tội phạm, tệ nạn ma túy

23/08/2023 09:36

Theo dõi trên

Luật Phòng chống ma túy (PCMT) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, đang bước đầu đi vào cuộc sống. Nhận thức và hành động về công tác PCMT tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội; ý thức và kiến thức về PCMT của nhân dân được nâng lên. Bên cạnh đó, công tác PCMT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Tình hình còn diễn biến phức tạp
Báo cáo của Bộ Công an tại hội nghị triển khai công tác PCMT năm 2023 cho biết: Đến nay một số địa phương còn chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; thiếu cơ chế vận hành, công tác tổ chức thực hiện thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ; còn tình trạng "khoán trắng" cho lực lượng công an… Công tác cai nghiện, quản lý sau cai còn một số bất cập, chưa có nhiều mô hình và giải pháp hiệu quả giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng… Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới như tội phạm về ma túy liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động và mang tính quốc tế cao hơn, ngày càng tinh vi hơn, manh động hơn, gắn kết chặt chẽ với các loại tội phạm tham nhũng, rửa tiền và buôn bán vũ khí. Số người sử dụng ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện và các loại ma túy mới có xu hướng tăng, tập trung nhiều vào thanh thiếu niên ở đô thị…
Theo thống kê, cả nước hiện có 196.110 người nghiện ma túy (trong đó gần 50% đang ở ngoài xã hội); 50.962 người sử dụng trái phép chất ma túy; 14.455 người bị quản lý sau cai nghiện. Số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng đang tiềm ẩn nguy cơ rất cao phạm tội về ma túy và các tội phạm khác. Năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tình hình ma túy trên thế giới; nhất là tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp ở Đông Nam Á với "điểm nóng" ma túy là vùng Tam giác vàng diễn ra nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng. Thời gian gần đây một số nước đã hợp pháp hóa các chất ma túy hoặc đang nghiên cứu, xem xét việc hợp pháp hóa cây cần sa vì mục đích y tế, tạo ra xu hướng đáng lo ngại, gây khó khăn, thách thức cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ma túy tại các nước, trong đó có Việt Nam. Do nằm gần khu vực Tam giác vàng, cùng với vị trí địa lý thuận lợi về giao thông quốc tế (bằng cả đường bộ, đường không, đường biển); Việt Nam chịu tác động lớn và ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực.
Thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta có diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Trên tuyến đường bộ, ma túy được vận chuyển chủ yếu từ Lào vào Việt Nam qua các đường tiểu ngạch khu vực biên giới, sau đó vận chuyển vào nội địa tiêu thụ hoặc sang nước thứ ba, chủ yếu qua 4 tuyến trọng điểm: Tây bắc, Đông bắc, Bắc Miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam. Họ câu kết hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn, xuyên quốc gia, với tính chất, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi (trang bị vũ khí nóng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ). Trên tuyến hàng không, bưu điện trở thành một trong những tuyến trọng điểm vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam: Họ lợi dụng hình thức chuyển phát, vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không qua cửa khẩu sân bay hoặc bưu điện; lợi dụng hình thức ký gửi hàng hóa, quà biếu để vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không từ Châu Âu (Đức, Séc, Hà Lan, Bỉ, Pháp…) về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ. Tuyến đường biển tiềm ẩn nguy cơ họ lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng. Phát hiện nhiều vụ ma túy trôi dạt trên vùng biển các Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Thuận. Trong nội địa, theo thống kê đến hết năm 2022, cả nước có 269 điểm, 18 tụ điểm phức tạp về ma túy cần tập trung quản lý, giải quyết; 3.890/134.936 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn ma túy; có 196.110 người nghiện ma túy; 50.962 người sử dụng trái phép chất ma túy; 14.455 người bị quản lý sau cai nghiện. Với số lượng như hiện nay, nhất là số đang ở ngoài cộng đồng (trong đó 71.981 người có tiền án, tiền sự, chiếm 29% tổng số người nghiện, người sử dụng ma túy; 2.614 người nghiện, người sử dụng ma túy có dấu hiệu loạn thần "ngáo đá") đang tiềm ẩn nguy cơ rất cao phạm tội về ma túy và các tội phạm khác. Đáng lưu ý hơn, tình trạng ma túy "núp bóng", được tẩm ướp vào các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm, dược phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử…) diễn biến phức tạp. Phương thức giao dịch, mua bán ma túy "núp bóng" được thực hiện trên không gian mạng. Người sử dụng chủ yếu là thanh, thiếu niên; gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Công an các địa phương cho biết: Năm 2022, toàn quốc phát hiện, bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; trong đó ma túy được tẩm ướp vào thảo mộc, thuốc lá điện tử: 32 vụ, 58 đối tượng; thu giữ 12,6 kg ma túy tổng hợp, 124,1 kg và 40,4 lít ma túy loại ADB-BUNTINACA. Tình hình trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy vẫn tiềm ẩn phức tạp. Trước đây cần sa được trồng nhiều ở những vùng núi, khu dân cư hẻo lánh. Nhưng hiện nay người ta đã tự nghiên cứu và trồng cần sa ngay tại nhà ở các khu đô thị với nhiều mục đích khác nhau. Năm 2022, toàn quốc xác định 140 địa bàn, khu vực tiềm ẩn nguy cơ trồng cây có chứa chất ma túy, 382 đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi trồng cây có chứa chất ma túy trái phép; 303 người có nghi vấn liên quan hoạt động trồng cây có chứa chất ma túy trái phép; đã phát hiện, triệt phá 39.554 m2 diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy (tăng 66% so với năm 2021).
Luật Phòng chống ma túy đang đi vào cuộc sống
Thủ tướng Chính phủ quán triệt: Cần nâng cao hơn nữa nhận thức về hiểm họa ma túy và vai trò công tác PCMT. Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng công an là nòng cốt. Ma túy là hiểm họa của nhân loại, là vấn đề toàn cầu nên PCMT phải có cách tiếp cận toàn cầu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Đây cũng là vấn đề toàn dân nên phải có những giải pháp toàn dân, phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân. Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Phòng, chống tội phạm về ma túy phải "phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát; đánh cả đường dây, không đánh khúc giữa; bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu". Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa đấu tranh, ngăn chặn và vận động, giáo dục, thuyết phục, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Trong đó, phòng là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định với vai trò rất quan trọng của cấp cơ sở. Coi trọng công tác PCMT từ cơ sở và tập trung vào nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Cấp cơ sở phải làm tốt công tác tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân, kịp thời chia sẻ, giúp đỡ với những người khó khăn.

Bạn đang đọc bài viết "Không khoan nhượng với tội phạm, tệ nạn ma túy" tại chuyên mục Tư vấn - Bàn tròn. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com