Kiến nghị chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân

Diệu Trang

28/10/2022 22:12

Theo dõi trên

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân.

Ngày 28/10, Quốc hội bước vào ngày thứ hai thảo luận tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước. Thảo luận ở hội trường Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế xã hội năm 2022 vẫn còn một số khó khăn. Thời gian qua có một vấn đề lớn cần được quan tâm là nhà ở cho công nhân còn thiếu trầm trọng. Nguồn cung chưa thể đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng.

Để giải quyết tình hình trên, Quốc hội, Chính phủ đã và đang quan tâm tháo gỡ chính sách liên quan nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Tuy nhiên, đến nay, những vướng mắc liên quan chính sách nhà ở xã hội chưa được tháo gỡ.

Từ thực tiễn địa phương, ông Tuấn kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân.

dai-bieu-tuan-1666969544.jpg

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn. Ảnh: Quochoi

“Công nhân là lực lượng có vị trí vô cùng quan trọng, có những đặc điểm, đặc thù so với các lực lượng lao động khác, nhưng quy định hiện hành chưa có chế định riêng về nhà ở phù hợp với đối tượng này. Hoặc chỉ là những quy định nằm rải rác trong một số văn bản có liên quan và còn nhiều những bất cập”, ông Tuấn phát biểu.

Chẳng hạn như tại điều 49 của Luật Nhà ở 2014, đã xác định người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Hay tại Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, một trong những điều kiện được hưởng chính sách này là chưa có nhà, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, quy định trên không hợp lý, vì nhiều công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp. Mặc dù, họ đã có nhà ở quê, sống cùng bố mẹ và anh chị em, nhưng do đi làm ăn xa, điều kiện chỗ ở chật chội, nên rất cần được xem xét hỗ trợ nhà ở.

Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đã nhấn mạnh mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 xây dựng 1 triệu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp.

Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi cần nguồn lực rất lớn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ có các doanh nghiệp mà còn huy động cả nguồn lực từ các cá nhân, hộ gia đình.

Từ thực tiễn ở Bắc Giang, hiện tỉnh này có hơn 5.100 công trình nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng cho công nhân thuê. Tuy nhiên, số lượng nhà ở như vậy chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho công nhân nên cần tiếp tục khuyến khích các cá nhân xây dựng thêm nhà ở cho công nhân với số lượng khoảng 180.000 lao động.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan tiếp tục cụ thể hoá, triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đã được quy định tại Luật Nhà ở, nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.

Đồng thời chú trọng triển khai cơ chế vay ưu đãi cho các hộ gia đình đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực về tiền, nguồn lực về đất đai nhằm thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân cùng xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.

Bạn đang đọc bài viết "Kiến nghị chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân" tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com