Ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VNGroup, cho biết quy định pháp luật rất nhiều nhưng còn thiếu rõ ràng và rất khó áp dụng. Dưới góc độ chủ đầu tư, ông Thành cũng nhận ra nhiều vấn đề khó trong 20 năm thực hiện hàng loạt dự án.
Theo ông Thành, nhiều yếu tố cho thấy việc khơi dòng tài chính cho thị trường bất động sản rất khó. Cái khó đầu tiên là mất niềm tin. Khách hàng hiện giờ không dám bỏ tiền ra mua một khu đất dù giá có rẻ.
Điểm khó thứ hai liên quan đến vấn đề tài chính. "Chúng tôi có sở hữu một công ty thẩm định giá nằm trong top 10 của Việt Nam. Câu chuyện định giá để cho vay cũng có vướng mắc. Các thẩm định viên đang rất sợ việc thẩm định giá. Giá lẽ ra được 10 đồng thì nay giảm xuống còn 7 - 8 đồng để an toàn. Đến lượt ngân hàng, cán bộ ngân hàng lại hạ thêm lần nữa. Thay vì giá trị ban đầu 10 đồng thì sau các vòng định giá, giá trị doanh nghiệp chỉ còn lại 5 đồng và chỉ vay được từng ấy số tiền. Đó cũng là lý do khiến tắc nghẽn dòng tiền, ngân hàng có tiền nhưng khách hàng không thể vay", CEO VNGroup cho biết.
Điểm khó tiếp theo là chứng minh thu nhập để trả nợ. Ở Việt Nam, có nhiều loại thu nhập khác nhau, thu nhập trên bảng lương, thu nhập khác không thể liệt kê và rất khó để chứng minh trên hồ sơ, giấy tờ. Chính vì thế, nhiều khách hàng không thể chứng minh được thu nhập để đi vay.
Để khơi thông dòng tài chính bất động sản, ông Thành cho rằng cần thực hiện được 3 giải pháp:
Thứ nhất, việc ban hành luật cần khẩn trương và đi sớm vào đời sống.
Thứ hai, cần đảm bảo tính đồng nhất trong truyền thông và điều hành để khách hàng có niềm tin vào thị trường. "Tại Việt Nam, cứ khoảng 100 người mua bất động sản thì có 15% thực sự hiểu, còn lại mua theo thói quen, niềm tin và không đặt nặng các vấn đề phân tích. Do đó, việc khôi phục niềm tin là điều quan trọng", ông Thành nhấn mạnh.
Thứ ba, khắc phục tình trạng nhiều chuyên viên không có đủ năng lực, sợ trách nhiệm hoặc tình trạng các doanh nghiệp bất động sản phải “xếp lốt" mới được giải quyết hành chính.
Không nên đổ lỗi ách tắc cho phía ngân hàng
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu ra 3 vấn đề cần làm rõ để khơi thông dòng tài chính bất động sản hiện nay.
Thứ nhất, ông Đức cho rằng khơi thông dòng tài chính bất động sản đồng nghĩa với việc khơi thông thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện dòng chảy tài chính còn đang bế tắc cho nên ảnh hưởng đến bất động sản.
“Chúng ta dường như đang loay hoay giữa bài toán con gà - quả trứng. Dù vậy, tôi cho rằng đừng đổ lỗi ách tắc cho phía ngân hàng, họ cũng đang là nạn nhân”, ông Đức nói.
Vấn đề thứ hai, theo luật sư Trương Thanh Đức, là pháp lý. Khó khăn trong việc xin được phép xây dựng... Nếu không giải quyết được bài toán cung - cầu thì càng cạnh tranh càng khó khăn.
Dưới góc nhìn của người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực đầu tư nước ngoài, TS. Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 ra đời, lũy kế đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 460 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có tổng vốn đầu tư đạt 69 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Theo TS. Ngô Công Thành, quá trình thu hút vốn nước ngoài ban đầu dù khó khăn nhưng đến nay nhìn lại, có thể thấy được dòng vốn ngoại đã mang lại rất nhiều lợi ích, động lực về thu hút dòng tiền đồng thời kéo theo nhiều sự đổi mới và thay đổi hàng loạt luật.
Đáng chú ý, việc thu hút dòng tiền FDI đã tạo ra nguồn lực lớn cho sự phát triển thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ông Ngô Công Thành nhìn nhận đến nay, dòng tiền nước ngoài chỉ mới chảy vào hạ tầng khu công nghiệp, khách sạn lưu trú, còn các khu đô thị chưa thu hút được nhiều dòng tiền từ nước ngoài, thậm chí có thể còn lỗ.
Do vậy, để khơi thông được dòng tài chính vào lĩnh vực bất động sản sắp tới, TS. Ngô Công Thành kiến nghị cần huy động được các nguồn lực, trong đó cần chú trọng đến vấn đề tính giá đất.