Lịch làm việc 996 không hấp dẫn giới công nghệ Trung Quốc

21/11/2021 21:36

Theo dõi trên

Lịch làm việc 996 - yêu cầu nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần - đã tồn tại ở các công ty Trung Quốc trong nhiều năm. Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, còn gọi lịch làm việc này là “một may mắn lớn”.

Đầu tháng 10 năm nay, bốn nhân viên công nghệ ở Trung Quốc đã khởi xướng dự án truyền thông xã hội - đầu tiên được đặt tên là Worker Lives Matter và sau đó đổi thành Working Time -nhằm phơi bày văn hóa 996. Họ xây dựng một cơ sở dữ liệu mở, công khai lịch và cách thức làm việc của các công ty. Dữ liệu này nhanh chóng lan truyền và ngày càng được nhiều nhân viên từ các công ty công nghệ - bao gồm Alibaba, Baidu, JD.com - tham gia đóng góp thông tin, tiết lộ điều kiện làm việc tại nhiều công ty và đưa 996 trở thành vấn đề nổi cộm.

dan-cong-nghe-trung-quoc-1637505143.jpg
Ảnh minh họa

“9 giờ sáng, 11 giờ tối, sáu ngày một tuần, những ai làm vị trí quản lý thường về nhà sau nửa đêm,” một người cung cấp thông tin tố cáo gã khổng lồ công nghệ Huawei. Trong vòng ba ngày, hơn 1.000 dòng thông tin như vậy đã được thêm vào bảng biểu của Working Time. Vài ngày sau, nó trở thành chủ đề thịnh hành nhất trên diễn đàn trực tuyến của Trung Quốc, Zhihu.

Nhưng dự án Working Time nhanh chóng biến mất. Cơ sở dữ liệu và trang lưu trữ GitHub của nó đã bị xóa, và các cuộc thảo luận trực tuyến về dự án này bị các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc kiểm duyệt gắt gao.

Working Time đã lấp đầy một khoảng trống ở Trung Quốc, nơi chưa có các trang web xếp hạng công ty như Glassdoor ở phương Tây, và ứng viên không có nhiều cách để tìm hiểu về phúc lợi, văn hóa công sở và thông tin về lương trước khi vào làm việc.

“Tôi đã nghe nói về 996, nhưng tôi không biết rằng nó phổ biến như vậy. Nhìn bảng biểu này, tôi cảm thấy khá sốc,” Lane Sun, sinh viên đại học Nam Kinh, cho biết khi dự án vẫn còn công khai.

database-trung-quoc-1637505218.png
Một phần bảng biểu của Working Time "tố cáo" các công ty công nghệ buộc nhân viên làm ngoài giờ

Theo luật lao động của Trung Quốc, lịch làm việc tiêu chuẩn là 8 giờ một ngày, tối đa 44 giờ một tuần. Người sử dụng lao động phải trả tiền làm thêm giờ, tối đa thêm 36 giờ, nếu muốn nhân viên làm nhiều hơn thời gian này.

Nhưng từ lâu, các công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp Trung Quốc đã ngó lơ giới hạn giờ làm việc này. Thậm chí họ tán thành và lãng mạn hóa lịch làm việc nhiều giờ dưới danh nghĩa làm việc chăm chỉ, cống hiến và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Trong một cuộc khảo sát của trang web việc làm trực tuyến Boss Zhipin của Trung Quốc và nền tảng blog Weibo vào năm 2019, chỉ 10,6% số người lao động được khảo sát cho biết họ hiếm khi làm thêm giờ, trong khi 24,7% làm thêm giờ mỗi ngày.

Jack Ma từng giải thích, thời gian làm việc dài có thể mang lại lợi ích cho người lao động. “Bạn nên làm 996,” Ma nói trong một bài phát biểu tại cuộc họp nội bộ của Alibaba, cuộc họp sau đó được chia sẻ trực tuyến. “10 năm kinh nghiệm làm việc của bạn sẽ giống như 20 năm của những người khác."

Nhưng cộng đồng công nghệ đã bắt đầu chống lại 996. Đầu năm 2019, một người dùng đã tạo tên miền 996.icu và một trang GitHub cùng tên. Cái tên này có nghĩa là “nếu tuân theo lịch làm việc 996, bạn đang có nguy cơ cao vào ICU [phòng chăm sóc đặc biệt],” trang GitHub giải thích, đồng thời nêu danh sách hơn 200 công ty thực hành 996.

Trong vòng ba ngày, dự án này đã nhận được hơn 100.000 lượt yêu thích, trở thà nổi tiếng nhất trên GitHub vào thời điểm đó. Không lâu sau, nó đã bị chặn bởi các trình duyệt Trung Quốc gồm QQ và 360, rồi cuối cùng biến mất hoàn toàn khỏi Internet Trung Quốc.

Theo sau 996.icu là Giấy phép Anti-996, tạo ra một dạng phần mềm giấy phép - các công ty công nghệ chỉ có thể sử dụng phần mềm mà họ tạo ra khi lập trình viên thiết kế các phần mềm đó áp dụng giấy phép này. Tổng cộng, Giấy phép Anti-996 đã được hơn 2.000 dự án công nghệ áp dụng, Yan nói.

Sự tham gia của nhà nước

Ngày nay, 996 đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc và dư luận. Sau khi một cựu nhân viên tại công ty công nghệ nông nghiệp Pinduoduo qua đời vào tháng 12/2020, được cho là vì làm việc quá sức, Tân Hoa xã đã kêu gọi chống lại văn hóa làm thêm giờ và ủng hộ rút ngắn thời gian làm việc.

Và tháng 8 năm nay, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội và Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã cùng xuất bản các hướng dẫn về vấn đề làm việc ngoài giờ, nhắc nhở các công ty và cá nhân về luật lao động.

Một số công ty đang thay đổi. Anthony Cai, nhân viên của Baidu, cho biết lịch làm 6 ngày một tuần là khá hiếm ở các công ty lớn hiện nay. Năm nay, một số công ty công nghệ - bao gồm và ByteDance, nhà phát triển TikTok - đã hủy bỏ lịch “tuần lớn/tuần nhỏ”, một thuật ngữ mới nổi ở Trung Quốc đề cập lịch làm việc cứ hai tuần thì có một tuần làm 6 ngày. Cai nói: “Làm việc vào thứ Bảy không còn phổ biến nữa. Tuy nhiên, việc ở lại văn phòng muộn vẫn rất phổ biến, thường không được tính là giờ làm thêm.”

Cary Cooper, giáo sư tâm lý tổ chức và sức khỏe tại Trường Kinh doanh Alliance Manchester, Anh, cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ chấm dứt văn hóa làm thêm giờ khi họ nhận ra tác động tiêu cực dài hạn đối với sức khỏe và năng suất của người lao động. Các thế hệ trẻ “sẽ không ngừng đấu tranh để có một cuộc sống chất lượng tốt hơn,” Cooper nói.

Và thế hệ trẻ, nguồn nhân lực cho các công ty công nghệ trong tương lai, ngày càng không hứng thú với 996. Faper Fu, một sinh viên đại học ở Nam Kinh, cho biết sẽ không chấp nhận 996 khi tham gia thị trường việc làm. “Nếu được trả nhiều tiền, tôi có thể cân nhắc,” Fu nói. “Nhưng đó không phải là kế hoạch dài hạn của tôi. Có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều rất quan trọng đối với tôi”.

Một trong bốn người tổ chức ra Working Time, viết: “996 sẽ chỉ tạo ra những cỗ máy người. Và kết cục của những cỗ máy người là bị vứt vào thùng rác khi đã hết pin.”
 

Bạn đang đọc bài viết "Lịch làm việc 996 không hấp dẫn giới công nghệ Trung Quốc" tại chuyên mục Công nghệ. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com