“Cảnh báo sớm sẽ cứu sống con người. Vì mục tiêu đó, hôm nay tôi tuyên bố Liên hợp quốc sẽ dẫn đầu các chương trình hành động mới để đảm bảo sau 5 năm, mọi người trên Trái đất đều được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm,” ông Guterres truyền đi thông điệp trong một video gửi tới lễ kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới. “Tôi đã yêu cầu WMO [Tổ chức Khí tượng Thế giới] đi đầu trong nỗ lực này và trình bày một kế hoạch hành động tại hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc được tổ chức vào cuối năm nay ở Ai Cập.”
Tiếp sau thông báo của Guterres, WMO cho biết sẽ triệu tập các cơ quan chủ chốt, các quốc gia và các nhóm đã hoạt động trong lĩnh vực cảnh báo sớm để lập một kế hoạch hành động toàn cầu trước COP27. Việc đầu tư công bằng và thu hẹp khoảng cách khả năng cảnh báo sớm giữa các nước sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực, dự kiến cần 1,5 tỷ USD trong 5 năm tới cho các cơ sở hạ tầng liên quan, đặc biệt là ở các nước kém phát triển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, theo Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas.
Hệ thống cảnh báo sớm bão, nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán là một hệ thống theo dõi các điều kiện khí quyển trên đất liền và trên biển trong thời gian thực sử dụng các cảm biến, trạm quan sát, vệ tinh, v.v… Các dữ liệu này sau đó được xử lý bằng các mô hình máy tính, cho biết hiện tượng thời tiết nguy hiểm sắp xảy đến và khuyến cáo cho các chính phủ, cộng đồng cũng như các cá nhân có thể hành động như thế nào để giảm thiểu các tác động. Rủi ro thiên tai và cách thích ứng có thể khác nhau nếu đó là khu vực thành phố hoặc khu vực nông thôn, vùng cực, ven biển hay vùng núi.
Hệ thống cảnh báo sớm còn cần bao gồm các kế hoạch ứng phó đã được thống nhất giữa các chính phủ, cộng đồng và người dân; cũng như các bài học kinh nghiệm từ các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, để liên tục cải thiện các biện pháp ứng phó trong tương lai.
Đầu tư cho hệ thống cảnh báo sớm có thể coi là khoản đầu tư có lãi. Báo cáo của Ủy ban toàn cầu về thích ứng năm 2019 cho thấy, hệ thống cảnh báo sớm mang lại lợi ích gấp 10 lần đầu tư ban đầu - lớn hơn bất kỳ biện pháp thích ứng nào khác. Ví dụ, chỉ cần cảnh báo trước 24 giờ về một cơn bão hoặc đợt nắng nóng sắp tới có thể giúp giảm 30% thiệt hại. Nếu chi 800 triệu USD để phát triển các hệ thống như vậy ở các nước đang phát triển sẽ giúp tránh được thiệt hại từ 3-16 tỷ USD mỗi năm.
Theo Liên hợp quốc và WMO, kế hoạch mới sẽ phát triển dựa trên các hoạt động và quan hệ đối tác cảnh báo sớm hiện có của WMO, gồm: Hệ thống cảnh báo đa hiểm họa toàn cầu (GMAS), Cơ quan Tài trợ cho Các Hệ thống Quan trắc (SOFF), Sáng kiến Hệ thống Cảnh báo Sớm và Rủi ro Khí hậu (CREWS). WMO đang thực hiện chương trình cảnh báo sớm trị giá 5 triệu USD dành cho khu vực Trung Phi thông qua CREWS, các chương trình tương tự đang được chuẩn bị cho các khu vực Sừng Châu Phi và Đông Phi.
Trong 50 năm qua (1970-2019), trung bình mỗi ngày có một thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu, thủy văn xảy ra - cướp đi sinh mạng của 115 người và gây thiệt hại 202 triệu USD, theo báo cáo năm 2021 của WMO. Một phần ba dân số thế giới, chủ yếu là người dân ở các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ, không được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm. Ở châu Phi, con số này lên tới 60%.
Cũng trong thời gian 50 năm này, các hiện tượng thiên tai được ghi nhận đã tăng gấp 5 lần. Nhưng nhờ có các hệ thống cảnh báo sớm bão, nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán và khả năng quản lý thiên tai, số người thiệt mạng giảm gần 3 lần sau 50 năm.
Nguồn: WMO, Media Climate Net