Chú trọng nguồn lực tài chính khắc phục hậu quả thiên tai khu vực miền núi

Thanh Tùng

17/09/2021 11:25

Theo dõi trên

Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, khó dự báo kết hợp với biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm, với tần suất ngày càng tăng, gây thiệt hại nặng nề, trước hết là về kinh tế.

 Đáng nói, thiệt hại do thiên tai lại chủ yếu xảy ra ở các địa phương ở miền núi, kinh tế còn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách. Do đó, việc bố trí nguồn lực cho việc khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai được các Bộ, ngành, địa phương rất chú trọng trong những năm qua.

Tái thiết sau thiên tai

Yên Bái là tỉnh nằm ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta, có địa hình địa chất phức tạp, đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt mạnh, có nhiều sông suối. Những năm gần đây, Yên Bái thường xuyên chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa đá kèm dông lốc, rét đậm, rét hại…

Thống kê của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái cho biết, năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 19 đợt thiên tai làm 2 người chết, 16 người bị thương; hư hỏng 7.787 căn nhà, thiệt hại 4.100 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Thiên tai cũng làm thiệt hại 216 ha diện tích nuôi cá truyền thống, 480 con gia súc và hơn 17.700 con gia cầm bị chết; 150 cột điện bị đổ gãy; hơn 9,3 km đường dây điện bị đứt; 212 công trình thủy lợi, 207 vị trí đường quốc lộ, 618 vị trí đường tỉnh bị hư hỏng; 18 cầu tạm bị cuốn trôi. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 118 tỷ đồng.

anh-1

Hình ảnh Chòm Cu Vai thuộc khu tái định cư thôn Háng Xê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Trước thực trạng đó, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được tỉnh Yên Bái quan tâm chỉ đạo theo phương châm “4 tại chỗ” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giúp sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Đối với các đợt thiên tai lớn, Yên Bái đã kịp thời đề nghị sự hỗ trợ của Trung ương và vận động các nguồn xã hội hóa để có đủ nguồn lực tái thiết.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái cho biết, công tác tái định cư người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai chuyển hướng từ việc triển khai các dự án tái định cư tập trung quy mô lớn sang hình thức tái định cư xen ghép để đảm bảo nhanh, kịp thời; phù hợp với tập tục, thói quen sinh sống, canh tác của người dân. Đồng thời cũng dễ huy động các nguồn lực xã hội hóa. Đến đầu năm 2021, tỉnh đã ổn định cuộc sống cho trên 2.246 hộ, di dời trên 2.285 hộ bị ảnh hưởng và trên 100 công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng. Tổng kinh phí đã huy động gần 1.000 tỷ đồng.

Cùng với Yên Bái, tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi với dân số khoảng 330.404 người, chiếm 22% dân số toàn tỉnh. Do địa hình miền núi rất phức tạp, có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, các khu dân cư ở chân núi, lưng chừng núi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất; các khu dân cư ở khu vực trũng thấp thì dễ bị lũ ống, lũ quét. Vùng đồng bằng, các khu vực trũng thấp dễ bị ngập lụt, các khu vực ven sông, suối thì có nguy cơ sạt lở đất bờ sông, bờ suối. Thống kê cho thấy, năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ sạt lở đất nghiêm trọng làm chết 30 người, mất tích 17 người, hư hỏng nhiều nhà cửa, tài sản của người dân.

Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định 1776/QĐ-TTg. Theo đó, tổng số hộ được bố trí, ổn định dân cư là 1.197 hộ. Thực hiện hỗ trợ di dời nhà trực tiếp cho hộ gia đình thực hiện di dời, tái định cư trong nội vùng dự án với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Tổng số kinh phí đã thực hiện hơn 23 tỷ đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương hơn 8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 15 tỷ đồng. Riêng 9 huyện miền núi, từ năm 2013 đến 2016, đã tổ chức thực hiện di dời 772 hộ dân vùng thiên tai; trong đó bố trí tập trung là 444 hộ, bố trí xen ghép là 328 hộ; tổng kinh phí hỗ trợ di chuyển nhà cấp phát trực tiếp đến hộ là hơn 12 tỷ đồng.

anh-2-4-

Những ngôi nhà mới trong khu tái định cư cho bà con xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) sau lũ quét.

Tiếp đó, tỉnh Quảng Nam tiến hành sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Cụ thể, tổng kinh phí UBND tỉnh đã bố trí trong 4 năm (2017-2020) cho 9 huyện miền núi thực hiện cơ chế sắp xếp, ổn định dân cư là 385 tỷ đồng. Đến 30/9/2020, có tổng số 6.462 hộ tham gia sắp xếp di dời chỗ ở, bao gồm: 2.836 hộ dân vùng thiên tai; 1.488 hộ dân tộc thiểu số; 2.115 hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; 10 hộ ra khỏi khu vực bảo vệ của rừng phòng hộ, đặc dụng; 13 hộ dân khác cần thiết phải sắp xếp.

Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã hỗ trợ nguồn kinh phí khắc phục lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh miền núi phía Bắc theo Quyết định số 1930/QĐ-TTg ngày 26/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 381,8 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí các tỉnh được hỗ trợ như sau: Hà Giang: 75 tỷ đồng; Bắc Cạn: 13,4 tỷ đồng: Cao Bằng: 30 tỷ đồng; Lào Cai: 28 tỷ đồng; Sơn La: 20 tỷ đồng; Điện Biên: 45 tỷ đông; Lai Châu: 78,2 tỷ dồng; Phú Thọ: 40 tỷ đổng; Hòa Bình: 20 tỷ đồng; Tuyên Quang: 30 tỷ đồng. Lạng Sơn: 2,2 tỷ đồng.

Đảm bảo nguồn lực

Thông tin về nguồn lực tài chính phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT&TKCN năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam là quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, do đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để ưu tiên nguồn lực phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai như hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, quỹ phòng, chống thiên tai; ưu đãi về thuế, tín dụng; chia sẻ rủi ro thông qua chính sách bảo hiểm và huy động từ cộng đồng.

anh-3-5-

Bộ Tài chính đã bố trí 473 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ phòng, chống thiên tai cho các Bộ, ngành, địa phương năm 2020.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết đã cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bố trí kinh phí hỗ trợ phòng, chống thiên tai năm 2020 cho các Bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, bố trí kinh phí cho các Bộ, ngành là 473 tỷ đồng, bao gồm: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai là 33 tỷ đồng; Bộ Giao thông vận tải là 310 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 130 tỷ đồng (xử lý các sự cố cấp bách về đê điều).

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng thực hiện bố trí kinh phí cho các địa phương thông qua 2 Chương trình mục tiêu là 8.909 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư là 3.263 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh là 5.646 tỷ đồng.

Về hỗ trợ kinh phí từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020, trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các Bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương là 10.705 tỷ đồng để hỗ trợ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Dự báo, năm 2021, tình hình thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên, chủ động bố trí và sử dụng nguồn lực địa phương (dự phòng ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn huy động hợp pháp khác) để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong đó, hỗ trợ bằng tiền là 9.426 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các dự án phòng, chống thiên tai và ổn định dân cư năm 2020, gồm: Hỗ trợ cho các địa phương để khắc phục hậu quả các đợt bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá là 1.885 tỷ đồng. Hỗ trợ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long kinh phí phòng, chống và khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn là 530 tỷ đồng. Hỗ trợ các địa phương đế khôi phục sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đế khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh là 491 tỷ đồng. Hỗ trợ các địa phương thực hiện dự án đầu tư cấp bách, trong đó tập trung ưu tiên cho các dự án, công trình phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai (lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất) là 6.520 tỷ đồng.

Đồng thời, hỗ trợ bằng hiện vật (lương thực, vật tư, thiết bị, hóa chất, hạt giống) từ dự trữ quốc gia tương đương trị giá khoảng 1.279 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Chú trọng nguồn lực tài chính khắc phục hậu quả thiên tai khu vực miền núi" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com