Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 3/2022 của 26 doanh nghiệp, trong đó có 14 công ty phi tài chính dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương và 2 công ty có dự kiến có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý 3 của Tập đoàn Hòa Phát vào khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm tới 80% so với mức đỉnh của cùng kỳ năm ngoái.
Đơn vị này cho biết, sự sụt giảm của lợi nhuận của Hòa Phát trong giai đoạn là do giá thép giảm mạnh, thấp hơn 10% so với thời điểm đầu năm. Đặc biệt, giá thép cuộn cán nóng HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do đồng VND giảm giá 2,5% so với USD.
SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của Hòa Phát có thể chạm đáy trong quý 3/2022 và phục hồi từ quý 4 tới đây. Lưu ý rằng, đây là phục hồi so với quý 3/2022. Nếu so với cùng kỳ năm trước, Hòa Phát có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm cho đến quý 1 năm 2023.
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng với P/E và P/B dự phóng năm 2022 lần lượt là 6x và 1x, và việc giá cổ phiếu giảm thêm có thể tạo cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu.
Theo đó, SSI Research đưa ra khuyến khả quan đối dành cho cổ phiếu HPG của Hòa Phát với giá mục tiêu là 24.000 đồng/cp, tức cao hơn 25% so với thị giá ở thời điểm hiện tại.
Cổ phiếu Hòa Phát giảm 60% trong một năm
Hòa Phát cho biết nhu cầu thị trường chung trong tháng 9 tương đối thấp, ngoài ra còn có mưa bão diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.
Theo đó, Hòa Phát đã sản xuất 540.000 tấn thép thô trong tháng 9. Tổng sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 555.000 tấn, giảm so với tháng 8 liền trước cũng như cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tiêu thụ thép cuộn cán nóng HRC đạt 228.000 tấn, tăng 29% so với tháng 9/2021. Thép xây dựng ghi nhận 318.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô, tương đương cùng kỳ 2021. Tổng sản lượng bán hàng thép xây dựng, HRC và phôi thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 3% so với 9 tháng 2021.
Trong đó, thép xây dựng ghi nhận 3,4 triệu tấn sau 9 tháng, tăng 24%. Sản lượng xuất khẩu đã vượt 1 qua triệu tấn, tương đương cả năm 2021 và đóng góp 30% tổng lượng thép xây dựng Hòa Phát cung cấp ra thị trường.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng nay 12/10, giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát đang giao dịch ở mức 18.300 đồng/cp và tương ứng với vốn hóa 106.411 tỷ đồng.
So với đầu năm 2022, giá cổ phiếu của Hòa Phát đã giảm 57,7%. Nếu so với đỉnh lịch sử vào ngày 28/10/2021, thị giá cổ phiếu HPG đã rớt hơn 60%.
Hiện tại, Hòa Phát có công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm, trong đó có 5,5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC/năm. Thị phần thép xây dựng, ống thép Hòa Phát vững vàng ở vị trí số 1 với lần lượt là 36,5% và 29,2%. Tôn Hòa Phát đứng top 5 thị phần toàn ngành với 8%.
Trong năm 2022, Hòa Phát đang triển khai dự án mở rộng sản xuất nhưng thời điểm có thể đưa vào hoạt động của các dự án này ước tính phải đến đầu năm 2024. Theo đó, cổ phiếu của Hòa Phát không có nhiều hấp dẫn trong ngắn hạn do nhu cầu của thị trường xây dựng và tình hình kinh tế ở Trung Quốc đã ngăn cản giá thép phục hồi trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, mức định giá hấp dẫn của các doanh nghiệp thép lớn như Hòa Phát với mức P/E bình quân trong 5 năm khiến cho nhóm này trở thành một nhóm ngành có tiềm năng trong dài hạn.