Hòa Phát của chủ tịch Trần Đình Long báo lãi giảm quá nửa so với cùng kỳ

Giá thép lao dốc cùng với nhu cầu về mặt hàng này suy yếu khiến lợi nhuận trong quý 2 của Hòa Phát giảm tới 59% so với cùng kỳ, ở mức 4.023 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 quý gần đây của doanh nghiệp này.

Lợi nhuận "đi lùi" về đáy 7 quý gần nhất

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa công bố kết quả sản xuất, kinh doanh quý 2/2022 với doanh thu đạt 37.714 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận sau thuế 4.023 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, đây là mức thấp lợi nhuận nhất của doanh nghiệp này trong 7 quý gần đây.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Hòa Phát đạt 82.118 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 12.229 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và giảm 27% so với cùng kỳ.

image-20220726155037-1-1658890180.png
Hòa Phát của chủ tịch Trần Đình Long báo lãi quý 2/2022 giảm quá nửa so với cùng kỳ

Về tình hình sản xuất, công ty của tỷ phú Trần Đình Long đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô trong 6 tháng đầu năm, tăng 8%. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC của doanh nghiệp này đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, bán hàng thép xây dựng của Hòa Phát sau nửa đầu năm đạt 2,38 triệu tấn, tăng 29%; thép cuộn cán nóng là 1,4 triệu tấn, tăng 7%. Ngoài ra, các sản phẩm hạ nguồn như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377.000 tấn và 180.000 tấn, tương đương mức tiêu thụ nửa đầu năm 2021.

Thị phần thép xây dựng của Hòa Phát tăng từ 32,6% trong năm 2021 lên 36,2% trong nửa đầu năm nay, tiếp tục dẫn đầu toàn ngành. Bên cạnh thép xây dựng, Hòa Phát hiện cũng dẫn đầu cả nước về thị phần ống thép. Ở mảng tôn mạ, Hòa Phát đang xếp thứ 5.

Năm 2022, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 160.000 tỷ đồng và lãi sau thuế khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng. Với kết quả trên, Hòa Phát đã thực hiện khoảng 51% kế hoạch doanh thu và 41-49% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

image-20220726155037-2-1658890180.jpeg
Hòa Phát ghi nhận 12.229 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm

Ở các lĩnh vực khác, Hòa Phát vẫn hoạt động theo đúng kế hoạch quý. Cụ thể, nông nghiệp đóng góp 4% doanh thu chung của Tập đoàn. Về bất động sản, tháng 6/2022, Hòa Phát đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Yên Mỹ II thêm 216ha.

Hiện tại, các dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, dự án khai thác mỏ quặng sắt tại Úc, Nhà máy sản xuất vỏ container tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trung tâm sản xuất hàng gia dụng tại Hà Nam… vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trong báo cáo về ngành thép mới đây của SSI Research, đơn vị này cho rằng việc giá thép giảm, nhu cầu suy yếu cùng với sản lượng xuất khẩu mặt hàng này cũng dự kiến giảm tốc trong thời gian tới đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép.

Trước diễn biến không mấy khả quan của thị trường thép trong nước, SSI Research dự báo lợi nhuận của các công ty thép như Hòa Phát, Hoa Sen hay Nam Kim sẽ giảm trong quý 2 và quý 3 của năm 2022.

Với Tập đoàn Hòa Phát, SSI Research điều chỉnh giảm dự báo doanh thu của doanh nghiệp này từ 176.000 tỉ đồng xuống còn 160.000 tỉ đồng; lợi nhuận cũng điều chỉnh giảm từ 31.100 tỉ đồng xuống 26.500 tỉ đồng trong năm 2022.

Hiện cổ phiếu HPG của Hòa Phát đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 là 5,2 lần – mức thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, SSI Research vẫn duy trì đánh giá khả quan đối với cổ phiếu HPG, nhưng giảm giá mục tiêu xuống 27.000 đồng/cp.

Hòa Phát rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán

Với việc cổ phiếu HPG của Hòa Phát lại tiếp tục có xu hướng điều chỉnh giảm xuống mức 21.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa của doanh nghiệp này còn 127.344 tỷ đồng.

image-20220726155037-3-1658890265.jpeg
Hòa Phát rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán

Trước đó, Hòa Phát là doanh nghiệp giá trị lớn thứ 4 sàn chứng khoán nhưng việc vốn hóa mất đến gần 128.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD) trong khoảng 9 tháng qua đã khiến “vua thép” mất vị thế. Theo đó, con số này không đủ để doanh nghiệp đầu ngành thép giữ được một vị trí trong top 10 vốn hóa trên sàn chứng khoán.

Cổ phiếu của Hòa Phát sụt giảm trong bối cảnh nhiều yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh, điển hình là giá thép. Trong 10 tuần qua, giá thép nội địa đã giảm 10 lần liên tiếp với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,6 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 vừa qua, Chủ tịch Trần Đình Long đã cảnh báo kết quả kinh doanh ngành thép những tháng tới sẽ "thê thảm".

Thực tế đã chứng minh nhận định của “Vua thép” là hoàn toàn có cơ sở khi chỉ mới vào đầu mùa báo cáo tài chính quý 2 đã có một loạt doanh nghiệp thép như Gang thép Thái Nguyên, Thép SMC, Gang thép Cao Bằng, Thép Mê Lĩnh... báo lãi sụt giảm mạnh từ 80-90% so với cùng kỳ, thậm chí Thép Thủ Đức còn thua lỗ.