Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Theo đó, Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể để gửi thông tin tới các đối tác, khách hàng nước ngoài.
Tín hiệu tích cực chỉ là sự khởi đầu
Việc tăng thời hạn visa điện tử sẽ có hiệu lực từ 15.8 đã nhận được sự tán thành từ du khách trên thế giới. Mức tăng đáng kể về số lượt tìm kiếm nơi lưu trú tại Việt Nam của du khách đến từ Pháp đã tăng 72% trong 2 tuần sau thông báo trên.
Kế đến, số lượt tìm kiếm, quan tâm du lịch đến Việt Nam từ nhiều nước cũng có mức tăng đáng kể như từ Hà Lan tăng 45%, New Zealand tăng 41%, Đức tăng 40%, Mỹ tăng 38%, Úc tăng 31%…
Các dữ liệu tìm được cho thấy tín hiệu tích cực đối với mục tiêu thu hút 8 triệu khách du lịch của Việt Nam vào cuối năm. Theo báo cáo mới đây của Việt Nam, quốc gia đã đón khoảng 5,57 triệu du khách tính từ đầu năm đến nay.
Dữ liệu của Agoda cho thấy sự linh hoạt và dễ dàng hơn trong các quy trình cấp visa cùng hoạt động quảng bá và tăng cường các chuyến bay kết hợp đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, mà Ấn Độ là ví dụ điển hình. Sau khi Việt Nam đưa ra chính sách cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân Ấn Độ, Agoda nhận thấy rằng, Ấn Độ từ vị trí thứ 8 đã vươn lên trở thành thị trường quốc tế có lượng đặt phòng lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc.
Cần có kế hoạch truyền thông, quảng bá
Mặt khác, bàn về tác động của chính sách visa, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, chính sách visa mới mà Quốc hội vừa thông qua là động lực quan trọng cho du lịch Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, chúng ta không thể mong chờ việc ra một chính sách đã ngay lập tức có lượng khách tăng vọt lên được. Thứ nhất, về chính sách, chúng ta còn phải chờ những văn bản quy định hướng dẫn mới có thể triển khai luật mới sửa đổi. Thứ hai, ngành du lịch cũng cần có sự chuẩn bị để truyền thông, quảng bá đổi mới này tới tất cả các thị trường khách.
“Đồng thời với đó là toàn ngành phải chuẩn bị các sản phẩm du lịch thích ứng phù hợp với những thị trường mà ta sẽ tập trung. Quá trình này sẽ kéo theo độ trễ, nên lượng khách du lịch sẽ chưa thể tăng trưởng ngay được.” – Ông Bình phân tích.
Nhưng chính sách mới này sẽ mở ra cho ngành du lịch một con đường, giai đoạn 5 năm tới chắc chắn lượng khách sẽ tăng rất cao. Lượng khách có tăng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà visa chỉ là yếu tố mở đầu, như lời mời du khách đến với Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khách đến sẽ thưởng thức gì, vui vẻ ra sao, có cảm thấy thích thú để chi nhiều tiền, có ở lâu không… đó mới là mục tiêu thực sự của ngành du lịch. Trách nhiệm đó thuộc về ngành du lịch, thuộc về các doanh nghiệp du lịch và những người cung cấp dịch vụ. Bản thân ngành du lịch không thể làm một mình trên hành trình này, mà cần các ngành nghề liên quan cùng đồng hành để khai thác tốt nhất những lợi thế mà chính sách mới mang lại.