Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến cấp xã của 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Có chuyển biến nhưng còn chậm
Báo cáo về kết quả thực hiện chống khai thác IUU, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, hiện tổng số tàu cá toàn quốc là 91.716 chiếc. Tính đến nay, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã có tiến bộ đạt 95,27%, tăng hơn 5% so với trước.
“Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển trọng điểm”, ông Trần Đình Luân nói. Từ quý IV/2021 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát gần 80.000 lượt tàu cá.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã triển khai nhiều giải pháp như duy trì trên 30 tàu, sử dụng máy bay không ngưới lái để tuần tra, kiểm soát; lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm để theo dõi, giám sát… Các địa phương như Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm; đặc biệt là Phú Yên từ năm 2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết thêm, khung pháp lý và cơ chế chính sách cơ bản đã đầy đủ; tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại, bất cập. Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Kể về các chuyến kiểm tra cảng cá, việc quản lý đội tàu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ông đã xem nhiều sổ nhật ký thì thấy việc ghi nhật ký sơ sài, có trường hợp gần như không ghi gì. “Nếu không có nhật ký thì rất khó truy xuất nguồn gốc”.
Tàu có lắp đặt VMS nhưng kết nối vào thì không liên tục và thường xuyên, “lúc thì đổ cho thiết bị, lúc thì đổ cho thời tiết”. Ông Phùng Đức Tiến cũng đánh giá, việc xử lý vi phạm hành chính còn bất cập. “Các tỉnh thực thi pháp luật không đồng đều, có tỉnh lập biên bản, có tỉnh gọi đến nhắc nhở, có tỉnh thì phạt. Do đó, có tình trạng tàu của tỉnh này chạy sang tỉnh kia”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang rà soát, sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, trong đó đề xuất cảnh sát biển có quyền xử phạt.
Cho biết vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ, cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm hành vi này. “Đi biển chỗ nào nhiều cá, chỗ nào vùng biển của ta, chỗ nào là vùng biển nước ngoài thì tài công (thuyền trưởng) biết rõ. Hiện việc xử phạt tài công chưa đủ mức răn đe. Ở một số nước, chủ yếu là xử phạt tài công, có nước phạt tù, còn ngư dân thì chỉ phạt tiền”. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cũng mong muốn các địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Cho biết thời gian qua tỉnh không có tàu nào bị nước ngoài bắt giữ, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ kinh nghiệm, tỉnh đã ra yêu cầu các tàu cá lắp thiết bị hành trình và hỗ trợ thuê bao viễn thông trong 3 năm. Hiện 100% tàu cá đã lắp thiết bị.
Tỉnh cũng phân loại để rà soát, các tàu có nguy cơ vi phạm thì yêu cầu ký cam kết, cương quyết không cho tàu cá không bảo đảm lắp đặt thiết bị ra khơi; bên cạnh đó thường xuyên giám sát, tuyên truyền động viên ngư dân.
Ngoài các kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND Thanh Hóa cho rằng còn có một số hạn chế. Mặc dù lắp thiết bị nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá ngắt thiết bị hoặc lắp sang tàu khác. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá hiện còn vướng mắc. Bên cạnh đó là vướng mắc về xác định ranh giới trên biển đối với việc xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng quan điểm này, để giảm thiểu tình trạng ngư dân vi phạm, đại diện tỉnh Phú Yên cho rằng, Trung ương và các địa phương cần đẩy mạnh các chính sách, giải pháp chuyển nghề cho ngư dân, hướng đến phát triển mô hình "nuôi biển", "nuôi bờ".
Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm khai thác IUU - Ảnh 4.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cho rằng, cần chế tài xử phạt mạnh hơn đối với thuyền trưởng của các tàu vi phạm - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Đinh Văn Thiệu cho biết, tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc giống như nhiều tỉnh, đó là tình trạng một số tàu cá lắp thiết bị nhưng cố tình ngắt kết nối, khiến việc quản lý rất khó khăn. Thời gian tới, tỉnh kiến nghị Trung ương đẩy mạnh các dự án trung tâm nghề cá.
Các ý kiến cho rằng, cần điều tra, xử lý, xử phạt dứt điểm hành vi cố tình hoặc các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Thành lập ngay đoàn liên ngành
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định việc gỡ thẻ vàng, tuyệt đối không để EC rút “thẻ đỏ” là rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thuỷ sản cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu về cam kết, nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU; đề nghị EC sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo, chỉ thị thực hiện các biện pháp để tháo gỡ vấn đề này.
Phó Thủ tướng cho rằng, kết quả đạt được có tiến bộ so với trước, như công tác quản lý đội tàu từng bước đi vào nền nếp; đã phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác ở vùng khơi, vùng lộng và ven bờ. Triển khai tốt hệ thống VMS để kiểm soát tàu hoạt động trên biển. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, ngăn chặn nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được là chưa đáp ứng yêu cầu. Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với đội tàu chưa đạt yêu cầu (đạt 96,7% đối với tàu dài từ 15 m trở lên, đối với khối tàu dưới 15 m mới đạt tỉ lệ 46,6%).
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong năm 2022 còn chậm (mới tăng được 5%). Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều tồn tại.
Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề lớn, nếu không khắc phục được thì không những không gỡ được thẻ vàng mà còn có nguy cơ bị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ”.
“Các đồng chí đã phát biểu các quy định pháp luật cơ bản đầy đủ, các cơ chế chính sách về nguồn lực đã được quan tâm”, Phó Thủ tướng nói. Khâu tổ chức thực hiện của các địa phương, đặc biệt ở cơ sở có vai trò quyết định. Các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo các tổ chức, cơ sở, đội nhóm và từng ngư dân phải khắc phục bằng được những tồn tại trong thời gian sớm nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay các đoàn liên ngành, ở Trung ương do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, ở địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách đi kiểm tra cụ thể, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
Các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư, công an các địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển và tại các cảng cá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ rủi ro, tác hại, từ đó nâng cao ý thức trong chống khai thác IUU.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Đề án phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025 vừa được Thủ tướng ban hành, phát triển ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu thuỷ-hải sản Việt Nam an toàn, bền vững.