Chính phủ “siết” việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Việc lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhằm quản lý, hạn chế bất cập tại nhiều địa phương.

Trước tình trạng xảy ra nhiều bất cập trong việc cấp phép, quản lý hoạt động khai thác mỏ cát, mỏ đất tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, nhiều loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đang có nguy cơ cạn kiệt cùng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 773/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

image-20220630170450-1-1656642481.jpeg
Chính phủ lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Theo quyết định này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.

Ngoài ra, 38 thành viên Hội đồng thẩm định là lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Hội đồng thẩm định còn có 3 ủy viên phản biện và 2 tư vấn phản biện độc lập.

Được biết, Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong giai đoạn từ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy định của Chính phủ, việc khai thác, chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phải gắn với an toàn lao động, bảo vệ cảnh quan và môi trường. Không khai thác vật liệu xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan. Các dự án khai thác phải áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến, ít gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều tăng 150% phí bảo vệ môi trường đối với khai thác cát, sỏi, cuội, sạn, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng nhằm hạn chế tình trạng khai thác tràn lan, tác động xấu tới môi trường.

Việc tăng phí bảo vệ môi trường đối với các loại vật liệu xây dựng này nhằm hạn chế tình trạng khai thác nhỏ lẻ, kém hiệu quả; khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; bảo đảm cho địa phương linh hoạt trong điều chỉnh mức thu phí, hạn chế ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng đến thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng.