Nỗi lo dự án “đắp chiếu”
Nhiều DN hoạt động trong ngành BĐS hiện đang phải đối mặt với khó khăn khi “cơn bão” giá VLXD tăng chưa qua, thì nỗi lo thiếu hụt lao động đã tới sau giãn cách xã hội. Trong 3 tháng cuối năm 2021, các DN xây dựng tiếp tục đứng trước thách thức lớn do giá cả nhiều vật liệu như: thép, cát, xi măng… tăng cao. Trước tình hình này, nhiều chủ đầu tư (CĐT) BĐS lo ngại chi phí đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành nhà ở trong thời gian tới, cũng như tiến độ xây dựng của các công trình.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chỉ riêng tháng 10/2021, nhiều DN thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000-192.000 đồng/kg thép. Trước đó, giá xi măng đã tăng trung bình từ 80.000-100.000 đồng/tấn. Việc các nhà cung cấp VLXD đã đồng loạt tăng giá khiến nhiều công trình xây dựng, dự án BĐS đã phải thi công cầm chừng, thậm chí đang đứng trước nguy cơ “đắp chiếu”.
Bên cạnh giá VLXD tăng cao thì hiện nay, nhiều công trình xây dựng vẫn chưa thể thi công trở lại do thiếu lao động. Giám đốc một DN BĐS tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ: DN hiện đang ưu tiên hoàn thiện tiến độ các dự án còn dang dở, tuy nhiên vấn đề mà DN hiện đang gặp phải không chỉ là chi phí VLXD "leo thang" mà còn thiếu hụt nhân công nghiêm trọng. Nhiều công nhân đã tạm nghỉ việc và trở về quê nhưng nay chưa thể quay trở lại để tiếp tục công việc, gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Người mua nhà “gánh” đủ
Theo nhận định của các chuyên gia, việc giá VLXD tăng mạnh buộc CĐT phải tăng giá bán căn hộ. Ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, trong 1 dự án chi phí sắt thép chiếm khoảng 15-20%. Với sản phẩm BĐS, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải gánh. Do đó, giá sắt thép tăng lên 40-50%, buộc CĐT phải điều chỉnh giá bán thêm 5-10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, CĐT phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống.
Cũng theo ông Phúc, khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao sẽ đẩy chi phí xây dựng tăng lên, cấu thành vào giá bán, điều đó bắt buộc CĐT phải điều chỉnh giá tăng lên. Với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng, CĐT vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh giá bán. Riêng với những dự án đã khởi công xây dựng và đang trong quá trình triển khai, CĐT sẽ phải chịu thiệt thòi về lợi nhuận.
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, việc tăng giá VLXD sẽ tác động lên giá thành nhà ở. Bởi công thức tính giá bán bao gồm tổng của ba yếu tố: Giá thành xây dựng, chi phí bán hàng và lợi nhuận kỳ vọng. Trong đó, giá thành xây dựng BĐS được cấu thành bởi hai tiêu chí là chi phí về đất và về xây dựng. Chi phí về đất thường chiếm 15% đối với nhà chung cư, 30% đối với nhà phố và 50% đối với biệt thự. Chi phí xây dựng thường chiếm khoảng 60% giá thành xây dựng BĐS.
Cũng theo ông Châu, giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm này là cần có sự chia sẻ chi phí vật tư bị đội lên giữa CĐT và nhà thầu để các bên cùng tiến cùng lùi. Nếu không có sự san sẻ này, người mua nhà sẽ là bên chịu thiệt nhiều nhất khi giá nhà vốn đã rất cao lại có nguy cơ vọt lên cao hơn trong thời gian tới.