Một ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi lên mức khó tin… 11%/năm

Cuộc đua tăng lãi suất huy động đang ngày càng sôi động khi các ngân hàng liên tục cập nhật biểu lãi suất mới với mức tăng cao chưa từng có, trong đó xuất hiện ngân hàng trả 11%/năm trong 3 tháng đầu cho khách gửi tiền 9 tháng.
nam-a-1667266991.jpg
Ảnh minh hoạ.

Thông tin cập nhật từ ngày 26/10/2022, Ngân hàng Nam Á (Nam Á Bank) chính thức áp dụng mức lãi suất mới cho sản phẩm tiền gửi Happy Future.

Sản phẩm Happy Future của Nam Á Bank có các kỳ hạn gửi 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Trong đó, kỳ hạn từ 2-6 tháng ngân hàng trả lãi 5,59%; kỳ hạn 9 tháng trả lãi lên tới 11% trong 3 tháng đầu, 6 tháng cuối áp dụng mức lãi 5,59%.

Các kỳ hạn 12-18-24-36 tháng, Nam Á Bank cũng trả mức lãi cao trong 6-12-18-30 tháng đầu lần lượt là 9,9%-8,9%-8,4%-7,9%; 6 tháng cuối áp dụng mức lãi 5,59%.

image-20221031181833-2-1667266994.png
 

Mức lãi suất 11%/năm cho 3 tháng đầu ở kỳ hạn 9 tháng nói trên hiện mức lãi suất huy động cao nhất trên toàn hệ thống ngân hàng.

Trước khi Nam Á Bank đưa ra biểu lãi suất mới, mức lãi suất cao nhất thị trường thuộc về Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). NCB đã đưa ra mức lãi suất 10,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, áp dụng từ ngày 27/10. NCB cho biết, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, lĩnh cuối kỳ. Đặc biệt, khách hàng phải liên hệ với chi nhánh NCB trước khi mang tiền đến gửi.

Đối với các khoản tiền gửi thông thường, NCB áp dụng mức lãi suất cao nhất tới 8,95%/năm cho các kỳ hạn 24, 30, 36 và 60 tháng theo hình thức gửi tiền online; kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng được hưởng lãi suất 8,85%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng hưởng lãi suất 8,75%.

Những ngày đây, các ngân hàng liên tiếp tăng lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ hai kể từ năm 2020.

Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng hiện là 6%/năm.

Các công ty chứng khoán đều cho rằng quyết định trên sẽ tạo điều kiện cho lãi suất tiết kiệm tăng lên nhanh chóng từ nay đến cuối năm.

Trong báo cáo gần đây, nhóm phân tích của VnDirect giải thích kịch bản trên xuất phát từ nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng nhờ hạn mức tín dụng mới và chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng với huy động ngày càng cao. Các yếu tố vĩ mô toàn cầu cũng có tác động, trong đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa vào cuối năm và đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất.

Thực tế thời gian qua, lãnh đạo các nhà băng đều cho biết việc huy động vốn rất khó khăn. Nhìn vào con số tuyệt đối, người dân gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng trong nửa đầu năm nay nhiều hơn hẳn so với hai năm dịch bệnh. Tuy nhiên, tốc độ huy động vốn vẫn không theo kịp tăng trưởng tín dụng, phần lớn do lãi suất huy động kém hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác.

Theo VnDirect, lãi suất huy động sẽ tăng 0,3-0,5% vào năm nay. Nhóm phân tích của Chứng khoán ACB (ACBS) lại dự phóng biên độ 0,5% chỉ riêng giai đoạn cuối năm và mức tăng có thể lên đến 1% cho cả năm nay.