Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, doanh thu của MPC đạt 2.122 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 98,28 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022 lãi hơn 91 tỷ đồng.
Thị trường xuất khẩu gặp khó
Năm 2023, thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam được dự báo tiếp tục sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đó là những thách thức phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Năm 2023, Ecuador dự kiến sản lượng tôm lớn hơn, khoảng 1,5 triệu tấn, gấp 2 lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam (hơn 700.000 tấn).
Đáng chú ý, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng, dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu rất khó khăn.
Riêng các thị trường nhập khẩu, với tồn kho còn lớn, nhập khẩu tôm của Mỹ dự báo chưa thể phục hồi mạnh trở lại. Nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sẽ vẫn tập trung nhiều hơn vào tôm cỡ nhỏ, là lợi thế của Ecuador. Ngoài ra, tình trạng lạm phát, chiến sự Nga – Ukraine cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu tôm… Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với MPC trong thời gian tới.
Hóa giải thách thức
Năm 2023, MPC đặt kế hoạch doanh thu gần 12.790 tỷ đồng, giảm khoảng 22% so với thực hiện trong năm trước. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế cũng giảm 23% xuống còn 639 tỷ đồng. Trong đó, Minh Phú Cà Mau dự kiến đóng góp 360 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế, trong khi Minh Phú Hậu Giang lãi 350 tỷ đồng. Ngược lại, Minh Phú Kiên Giang và Minh Phú Lộc An dự kiến lỗ trước thuế lần lượt 25 tỷ đồng và gần 37 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 của MPC đều sụt giảm so với thực hiện năm trước. Trong đó, sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu mục tiêu năm 2023 dự kiến lần lượt ở mức 45 ngàn tấn và 540,5 triệu USD, giảm 30% và 13% so với thực hiện năm 2022.
98,28 tỷ đồng là khoản lỗ ròng quý I/2023 của MPC, trong khi cùng năm ngoái MPC lãi hơn 91 tỷ đồng
Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, Ban Lãnh đạo MPC ưu tiên phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, MPC đã và đang thực hiện số hóa chuỗi giá trị tôm, nâng cao hiệu quả trong chuỗi giá trị và cho phép truy xuất nguồn gốc từ trại giống, tới trang trại nuôi, qua nhà máy chế biến và hệ thống phân phối, đến người tiêu dùng.
Nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, MPC cũng cải thiện di truyền tôm sú bố mẹ và tôm thẻ bố mẹ thẻ chân trứng để tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh. Đồng thời, MPC nâng cao sản lượng sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam, đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.
Ngoài ra, MPC cũng đẩy mạnh hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm thẻ chân trắng công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ và Ecuador trong tương lai.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng MPC vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là hoạt động xuất khẩu.