Mỹ sẽ tăng đơn hàng từ Việt Nam

Mỹ sẽ tăng đơn hàng từ Việt Nam để phục vụ mùa lễ hội cuối năm và lượng hàng tồn kho giảm mạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ tiếp tục chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2 tháng gần đây đều vượt 10 tỷ USD.

viet-my-11-1723449686.jpg

Tính bình quân 7 tháng 2024, người Mỹ đã chi gần 9,5 tỷ USD/tháng để mua hàng của các nhà cung ứng Việt Nam.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2024 đạt 10,5 tỷ USD, sang tháng 7 đạt 10,95 tỷ USD. Sự tăng trưởng này đã đưa xuất khẩu sang Mỹ 7 tháng đầu năm đạt 66,09 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ (tương ứng tăng thêm 13 tỷ USD) và là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất. Tính bình quân 7 tháng qua, người Mỹ đã chi gần 9,5 tỷ USD/tháng để mua hàng của các nhà cung ứng Việt Nam.

Nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất theo số liệu 6 tháng 2024 bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (11,16 tỷ USD, tăng 51,6%), điện thoại và linh kiện (5,5 tỷ USD, tăng 34,3%), máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (9,19 tỷ USD, tăng 15,8%), hàng dệt may (7,21 tỷ USD, tăng 3,6%), giày dép (3,84 tỷ USD, tăng 14,6%), gỗ và sản phẩm gỗ (4,07 tỷ USD, tăng 24,6%).

Nhận định về thương mại giữa Việt Nam – Mỹ, ông Trần Thanh Hải cho biết hiện tại bối cảnh tại Mỹ đã có một số yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đơn cử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024, vấn đề hàng tồn kho cao đang dần được khắc phục…. Đây là những thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong những tháng cuối năm 2024.

“Dư địa để gia tăng thị phần các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta tại thị trường Mỹ còn rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung ứng của mình, nếu nỗ lực Việt Nam có thể đạt được những con số xuất khẩu ấn tượng vào thị trường này trong năm 2024”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Còn theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, triển vọng và tiềm năng hợp tác giữa hai thị trường Việt Nam – Mỹ đang trên đà bứt tốc mạnh mẽ.

Bởi, hàng Việt đang có môi trường thuận lợi để gia tăng thị phần tại Mỹ, nước này sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống vào năm 2025, do đó chính sách thương mại khó có thay đổi đáng kể trong năm 2024 khiến cho các quy định về hoạt động xuất – nhập khẩu cũng sẽ ổn định.

“Bên cạnh đó, nhiều chính sách của Mỹ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam, như chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc…”, ông Đỗ Ngọc Hưng chia sẻ.

Còn về phía doanh nghiệp, để tận dụng được cơ hội này các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải nâng cấp thực hiện theo xu thế xanh, công nghệ số, dịch chuyển chuỗi cung ứng…

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cho rằng, muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu xu thế, nhu cầu của thị trường và những khách hàng trong lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó, phải đầu tư hệ thống máy móc, quản trị chất lượng, minh bạch trong hệ thống kinh doanh.

“Trong xu thế hiện nay, doanh nghiệp cần phải chú trọng đầu tư cho phát triển bền vững, gắn liền ESG, tuần hoàn xanh”, ông Phan Minh Thông bày tỏ.

Đồng quan điểm, bà Phan Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công ty TMTM, Phó chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP. HCM (Hawee) cho rằng, trước khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường thật kỹ và xác định thị trường mục tiêu cụ thể.

Bên cạnh đó, phải tìm hiểu về pháp lý thương mại của Hoa Kỳ. Quốc gia này có đến 50 tiểu bang, và mỗi tiểu bang có luật pháp khác nhau. Hoa Kỳ cũng là quốc gia đa văn hóa, khác nhau về yếu tố nhân khẩu học, thời tiết, tôn giáo, chủng tộc…

“Hoa Kỳ không phải là một thị trường duy nhất, vì vậy khi muốn xuất hàng vào tiểu bang nào cần tìm hiểu kỹ về thị trường đó”, bà Phan Thị Tuyết Mai chia sẻ.

Vẫn theo bà Phan Thị Tuyết Mai, Hoa kỳ áp dụng những rào cản kỹ thuật rất phức tạp và tinh vi. Luật pháp nước này rất chú trọng đến việc bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước bằng nhiều chính sách bảo hộ thương mại. Quốc gia này áp dụng chính sách “mua hàng Hoa Kỳ” và chú trọng đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu…