Vượt qua mọi dự đoán
Những đợt nắng nóng chưa từng có đã thiêu đốt nhiều nơi trên thế giới trong những tuần gần đây, từ London đến Thượng Hải. Hồi tháng 6, Tokyo hứng chịu chín ngày liên tục trên 35ºC, đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ khi nước này bắt đầu có dữ liệu về nhiệt độ vào năm 1870. Giữa tháng 7, nhiệt độ ở Vương quốc Anh lần đầu tiên lên hơn 40ºC. Các đám cháy rừng đã tàn phá nhiều vùng của Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Đức. Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng, trong đó có đợt nóng xảy ra ở hơn 400 thành phố vào tuần trước.
Các nhà khoa học khí hậu từ lâu đã cảnh báo, các đợt nắng nóng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và với nhiệt độ cao hơn khi toàn cầu ấm lên. Nhưng tương lai đã đến nhanh hơn những gì họ lo ngại. Những đợt sóng nhiệt (hay một đợt nhiệt độ cao bất thường kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần) ngày càng mạnh hơn, có sức công phá kỷ lục và vượt xa dự tính của các mô hình khí hậu. “Cộng đồng khoa học đã nghĩ đến khả năng xảy ra những sự kiện này. Nhưng vẫn sốc khi chúng thực sự xảy ra," nhà khoa học khí hậu Eunice Lo tại Đại học Bristol Vương quốc Anh nói.
Đợt nắng nóng vào tháng 7 vừa qua ở Vương quốc Anh không quá nghiêm trọng nhưng nó vẫn đi vào lịch sử với tư cách là sự kiện khiến một quốc gia nhận thức được sự nguy hiểm của nắng nóng bất thường. Vào ngày 18 và 19/7, nhiều vùng trên toàn nước Anh đã thiết lập các kỷ lục nhiệt độ mới, cao hơn 3 hoặc 4ºC so với kỷ lục trước đây. Ước tính hàng trăm người đã thiệt mạng.
Các nhà khoa học phần nào dự đoán trước điều này. Một nghiên cứu mô hình hóa khí hậu công bố hai năm trước cho thấy có khả năng nhiệt độ ở Vương quốc Anh sẽ vượt qua ngưỡng 40ºC trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên nhiệt độ kỷ lục 40,3ºC đã xuất hiện ngay năm nay, chỉ hai năm sau khi nghiên cứu công bố.
Nhiệt độ tăng nhanh hơn nhiều so với dự kiến vì các mô hình khí hậu không nắm bắt được mọi yếu tố ảnh hưởng đến sóng nhiệt và do đó không dự báo chính xác hoàn toàn các mức nhiệt cực đoan trong tương lai. Những yếu tố mà mô hình chưa tính đến có thể bao gồm sử dụng đất và tưới tiêu ảnh hưởng thế nào đến sóng nhiệt, v.v... Có nghĩa là các dự báo mô hình đôi khi có thể đánh giá thấp tác động thực sự của biến đổi khí hậu.
Một phân tích ngày 28/7 của nhóm World Weather Attribution cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra khiến nguy cơ xảy ra đợt nắng nóng năm nay ở Vương quốc Anh tăng ít nhất mười lần. Nghiên cứu cũng kết luận rằng đợt sóng nhiệt hiện nay sẽ mát hơn 2–4 ºC nếu không có hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Đến sớm hơn và đồng thời ở nhiều nơi
Các nhà nghiên cứu hiện đang mổ xẻ chi tiết các đợt nắng nóng cực đoan gần đây để hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của sóng nhiệt đối với con người trong tương lai.
Một đặc điểm nổi bật khác trong vài tháng qua là nắng nóng bất thường xảy ra đồng thời ở một số khu vực trên thế giới. Trung Quốc và Tây Bắc Mỹ đều hứng chịu nhiệt độ nóng hơn bình thường vào cuối tháng 7, cùng thời điểm với châu Âu. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 năm nay chỉ ra những đợt nắng nóng đồng thời như vậy đã trở nên phổ biến hơn gấp 6 lần ở Bắc bán cầu từ năm 1979 đến năm 2019.
Theo Deepti Singh, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Bang Washington, khả năng xảy ra các đợt nắng nóng đồng thời, không liên quan đến các kiểu khí quyển, sẽ tăng lên khi khí hậu ấm lên.
Các đợt nắng nóng cũng đến sớm hơn trong năm ở một số nơi, chẳng hạn như Ấn Độ và Pakistan, những nơi năm nay có nhiệt độ cực cao từ tháng 3. Một số vùng ở Ấn Độ đã vượt quá 44ºC vào cuối tháng 3, trước thời điểm nóng nhất thông thường trong năm. Ít nhất 90 người chết. Nhóm World Weather Attribution phát hiện, đợt nắng nóng sớm ở Ấn Độ có khả năng xảy ra cao gấp 30 lần do biến đổi khí hậu.
Trong một nghiên cứu mô hình công bố vào năm ngoái, nhóm của nhà khoa học khí hậu Erich Fischer tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, Zurich, dự đoán, trong những thập kỷ tới, mỗi khi các hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra, chúng sẽ vượt xa các kỷ lục trước đó. Vì thế, theo Fischer, cần tính toán cụ thể mức nhiệt mới vượt xa mức nhiệt cũ như thế nào để lập kế hoạch cho tương lai.
Nguồn: