Tại hội thảo về kháng kháng sinh do Viện Sức khoẻ Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) tổ chức ngày 20/9, BS. Nguyễn Trung Cấp (Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) đã dẫn lại kết quả của những chương trình theo dõi sử dụng kháng sinh ở Việt Nam trong gần 20 năm qua để chỉ ra xu hướng sử dụng kháng sinh ngày càng nhiều và hậu quả của nó ở các cơ sở y tế.
Cụ thể, trong giai đoạn 2008-2009, phần lớn các bệnh viện sử dụng kháng sinh thế hệ 2 và thế hệ 3, do vậy tỷ lệ kháng những loại này bắt đầu tăng cao. (Kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả chống lại vi khuẩn gram dương, các thế hệ cao hơn có khả năng chống lại cả vi khuẩn cả gram dương và gram âm, thế hệ càng cao thì phổ kháng sinh càng rộng).
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2012-2013, khi việc sử dụng những loại kháng sinh thế hệ 3 và thế hệ 4 trở nên phổ biến hơn, thì thông qua các chủng vi khuẩn được phân lập ở bệnh viện, người ta phát hiện một tỷ lệ cao các vi khuẩn đã trở nên kháng những loại thuốc này. Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy tỷ lệ kháng kháng sinh của một số chủng vi khuẩn ở Việt Nam rất cao (40-50%) so với các nước phát triển như Thụy Điển (2-8%).
Mức độ sử dụng kháng sinh trong chăm sóc y tế ở Việt Nam từ năm 2013 là 32,0 liều mỗi ngày trên 1.000 bệnh nhân, cao hơn hẳn so với mức trung bình ở châu Âu vào khoảng 16,5 liều (mức độ của từng nước dao động ở khoảng 8,5–28,9 liều).
Điều đó có nghĩa là chúng ta đang sử dụng sử dụng kháng sinh rất hoang phí; trong khi các nước giàu hơn lại dùng ít kháng sinh hơn, do vậy tình trạng kháng kháng sinh của họ cũng đỡ nghiêm trọng hơn, BS. Cấp nhận xét.
Đa kháng cũng là hiện tượng phổ biến ở các bệnh viện. Nhiều tác nhân gây bệnh như virus HIV, vi khuẩn lao đã có hiện tượng kháng từ 2 loại kháng sinh trở lên. Theo TS. Cao Hưng Thái (Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế), sự xâm nhập nhanh chóng của các loại vi khuẩn CRE kháng nhiều kháng sinh, trong đó có kháng carbapenem (kháng sinh phổ rộng chuyên điều trị nhiễm trùng nặng như viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da...) trong số bệnh nhân nội trú ở Việt Nam đã “đạt đến tỷ lệ thành dịch”.
Trong khi đó, TS. Thái cho biết thêm, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn đường ruột kháng nhóm kháng sinh carbapenem tăng từ 13% vào ngày bệnh nhân nhập viện lên gần 90% vào ngày thứ 15 nằm viện. Thực trạng này tạo gánh nặng lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, bởi thời gian điều trị nhiễm vi khuẩn đa kháng sẽ kéo dài hơn, tạo rủi ro cao hơn và chi phí tăng hơn vài lần so với thông thường.
Đáng lo ngại hơn nữa, ThS. Trần Thị Mai Hưng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương NIHE) cho biết, các vi khuẩn mang gen kháng thuốc không chỉ xuất hiện tại các bệnh viện hay phòng hồi sức cấp cứu, mà còn cả ở cộng đồng. Những khảo sát trong giai đoạn 2009-2012 của NIHE đã phát hiện vi khuẩn mang gen NDM-1, tức gen kháng thuốc, chủ yếu kháng carbapenem - ở các mẫu bệnh viện và môi trường.
Những khảo sát gần đây hơn của NIHE vào năm 2017 ở các trang trại có hộ gia đình sinh sống, cho thấy các mẫu phân người, phân gà, phân lợn, ruồi, nước thải đều mang gen kháng colistin và carbapenem với tỷ lệ khá cao. ThS. Hưng cho biết, một số loại kháng sinh chỉ dùng trong bệnh viện như gentamicin (kháng sinh dạng tiêm chuyên điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng toàn thân như nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn khi mổ...) nhưng có tỷ lệ kháng trên các mẫu vi khuẩn thu thập được ở trang trại lên tới 47%, khiến cho các nhà nghiên cứu không khỏi băn khoăn. Khi giải trình tự gen vi khuẩn, họ thấy có sự giống nhau đáng kể giữa các gen, ngụ ý có sự lây truyền gen kháng thuốc giữa các nhân tố con người và động vật, đặc biệt thông qua ruồi.
Cần sự chung tay của nhiều bên
Trước những thực trạng này, từ năm 2013, Bộ Y tế kết hợp với Bộ NN&PTNT triển khai các chương trình hành động quốc gia nhằm kêu gọi nhân viên y tế và thú y hành động can thiệp vào quá trình kháng thuốc.
Các hành động bước đầu đã có kết quả nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu sự phối hợp liên ngành thường xuyên, các hệ thống giám sát và phòng xét nghiệm chưa đủ mạnh, cũng như chưa có cam kết phân bổ nguồn lực cụ thể từ nguồn ngân sách quốc gia. “Quan trọng nhất, chúng ta đang thiếu một chiến lược quốc gia để có được sự quan tâm đúng mức với vấn đề hệ trọng này”, TS. Thái nhận xét.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đang trong quá trình xây dựng một Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045, và hiện đang ở những bước cuối cùng để trình Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 9/2022 - đại diện của Bộ Y tế cho biết tại hội thảo. Chiến lược hướng đến hai mục tiêu lớn: “làm chậm sự tiến triển kháng thuốc của vi sinh vật” và “giảm tác động của kháng thuốc” đối với sức khỏe con người, động vật và sự phát triển kinh tế-xã hội.
Chiến lược đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp về cải thiện chính sách, tăng cường công tác giám sát và quản lý sử dụng thuốc trên thị trường, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong xã hội, chú trọng công tác đào tạo sinh viên tại các trường đại học thuộc hệ thống y tế, đầu tư tài chính, tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển các phòng xét nghiệm vi sinh, đẩy mạnh hợp tác…
Trao đổi bên lề với Khoa học & Phát triển, TS. Thái nói, Việt Nam không thể làm ra kháng sinh mới như các nước thì phải tìm cách bảo vệ tốt nguồn kháng sinh cho tương lai của mình. Theo ông, không chỉ ngành y tế, mà mọi ngành nghề khác đều phải vào cuộc để thay đổi cục diện lạm dụng kháng sinh. Nếu không hành động ngay hôm nay, ông nói, thì ngày mai chúng ta sẽ không còn kháng sinh nào có hiệu quả, nghĩa là chúng ta có thể “quay lại thời kì như lúc chưa có kháng sinh”.
Tiếp nối hội thảo ngày 20/9, IEHSD sẽ tổ chức một hội thảo tương tự với các bên liên quan trong lĩnh vực thú y-chăn nuôi cùng Bộ NN&PTNT, và một hội thảo với các nhà sản xuất trong chuỗi 3F (Feed - Farm - Food) để thảo luận về tình hình sử dụng kháng sinh trong chuỗi và môi trường cuối tháng 9 và tháng 10/2022. Các hội thảo này nằm trong chuỗi hội thảo khoa học về kháng kháng sinh ở Việt Nam nhằm hướng tới hành động liên ngành.