Ngẫm đi ngẫm lại những bài học từ nền giáo dục Phần Lan

Hoàng Anh Đức

25/11/2021 15:41

Theo dõi trên

Không phải chương trình, giáo trình, hay quy trình kiểu mẫu của Phần Lan mà chính những bài học từ nền giáo dục đó mới là thứ chúng ta cần.

Năm 2018, trong giờ nghỉ giải lao của một hội thảo giáo dục tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ, tôi có tham gia vào cuộc trò chuyện vui giữa các học giả đến từ nhiều nước. Một học giả Mỹ hỏi đồng nghiệp Phần Lan về tỷ lệ học sinh bỏ học và cách mà hệ thống giáo dục Phần Lan đương đầu với vấn đề này. Câu trả lời từ học giả Phần Lan hơi tếu táo một chút: “À, như ông biết đấy, người Mỹ nghiên cứu rất nhiều nhưng lại ít khi dùng đến chúng, nên chúng tôi sử dụng giúp các kết quả nghiên cứu cho đỡ phí. Có lẽ vì vậy mà tôi cũng chẳng biết rằng học sinh Phần Lan có bỏ học giữa chừng hay không. Rất tiếc là tôi không giúp được gì ông rồi.”

phan-lan-giao-duc-1637829483.jpg
Trước đó, Bài học Phần Lan 2.0 cũng đã được xuất bản ở Việt Nam. Nguồn: Omega+

Trong cuốn sách này, bạn sẽ nhận ra, Phần Lan có tỉ lệ lưu ban tương tự như các nước Bắc Âu, thậm chí cao hơn nhiều so với các nước Tây Âu. Thế nhưng, chính câu trả lời tưng tửng của học giả Phần Lan đã khiến tôi thực sự tò mò và tìm đọc thêm nhiều công trình về các thực tiễn giáo dục ở Phần Lan, trong số đó có cuốn Finnish Lessons (Bài học Phần Lan) ấn hành lần đầu năm 2011 và lần hai (Bài học Phần Lan 2.0) năm 2015 của Pasi Sahlberg.

Khi đang hoàn tất bản thảo đầu tiên của cuốn sách này, Pasi Sahlberg mới trở về Phần Lan, công tác tại Bộ Giáo dục và Văn hóa, sau nhiều năm làm việc cho World Bank tại Mỹ và Uỷ ban Châu Âu (EC) tại Ý. Khi đó, các trường học Phần Lan đang là một hiện tượng được nhiều quốc gia quan tâm và thậm chí có phần ghen tị. Dư âm của sự quan tâm đó, có lẽ vẫn còn vang vọng tới tận hôm nay, khi trên các trang mạng tại Việt Nam vẫn lan tràn một số tin giả về chuyện “Phần Lan sẽ “xoá sổ” các môn học Toán, Lý, Hóa. Thay vào đó, học sinh được thỏa sức…”.

Không chỉ riêng các trang mạng Việt Nam sốt sắng như vậy đâu! Vào năm 2015, ngay cả tờ The Washington Post cũng đã có bài với tựa rất hùng hồn “Finland’s radical new plan to change school means an end to math and history class” (Kế hoạch cải tổ giáo dục cấp tiến của Phần Lan sẽ chấm dứt các lớp học Toán và Lịch sử). Sau đó, có vẻ Ban biên tập đã nhận ra vấn đề và điều chỉnh lại tiêu đề thành “Finland’s new plan to change school means combining subjects” (Kế hoạch cải tổ giáo dục của Phần Lan sẽ tích hợp các môn học). Vậy đó, chỉ một tình tiết nhỏ về cách tiếp cận tích hợp các môn học thôi đã tạo ra những cơn cuồng phong thông tin rồi. Bởi thế, nếu bạn nghĩ cuốn sách này là một thứ gì đó hay ho theo kiểu hào nhoáng, cập nhật xu hướng, tôi nghĩ rằng bạn nên đặt nó xuống và quay lại đọc vào một dịp khác.

Nếu đã đọc đến đây, chắc hẳn bạn là người rất quan tâm tới các cải cách giáo dục. Và, chắc hẳn, bạn cũng có những hoài nghi nhất định khi đọc cuốn sách mới nhất của Pasi Sahlberg. Vậy thì, để tôi giúp bạn củng cố sự hoài nghi đó thêm một chút nhé. Trong năm 2019, với dân số khoảng 5,5 triệu người, tổng chi ngân sách cho giáo dục của Phần Lan vào khoảng 15,6 tỷ USD. Trong cùng năm, Việt Nam chi khoảng 10,5 tỷ USD cho giáo dục, với quy mô dân số khoảng 96,5 triệu người. Đất nước Phần Lan có tính đồng chủng cao, tức là có sự tương đồng lớn về văn hoá, bối cảnh, tính cách con người giữa các khu vực. Còn chúng ta, có bờ biển trải dài 3.260 km, với 63 tỉnh, thành và 64 dân tộc anh em.

Với những khác biệt như vậy, tôi không tin rằng một mô hình trường học Phần Lan “nguyên bản”, hay một chương trình giáo dục nhập khẩu “nguyên bản” từ Phần Lan sẽ là giải pháp cho nền giáo dục Việt Nam. Đó có thể là những sự lựa chọn tuyệt vời cho một nhóm thiểu số, và từ đó, giúp chúng ta nhận ra nhiều bài học. Những bài học đó mới là thứ chúng ta cần khát khao, thay vì khát khao một thứ chương trình, giáo trình, hay quy trình kiểu mẫu. Trong lịch sử, chính Phần Lan cũng đã có tâm thế học hỏi như vậy khi họ nhìn vào hệ thống giáo dục của các nước khác, như Anh, Đức, Thụy Sĩ hay Mỹ.

Ấn bản thứ hai của cuốn sách - Bài học Phần Lan 2.0 - ra đời năm 2015. Khi đó, Phần Lan không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, phải đối mặt với những cắt giảm chi tiêu công, cùng các vấn đề về dòng người nhập cư. Thành tích của Phần Lan trong các bảng xếp hạng toàn cầu đã giảm sút. Nếu xét dưới lăng kính PISA, Phần Lan từ một học trò ưu tú đã dần trở nên quen thuộc với việc đội sổ.

Vâng, phụ huynh và các nhà trường bị mắc kẹt trong các vòng quay điểm số, còn các chính phủ và các tổ chức quốc tế lại bị mắc kẹt trong những chương trình đánh giá tiêu chuẩn như PISA, TIMSS. Với những ai lo lắng về điểm số, sự sụt giảm ấy thực là mối quan tâm bậc nhất.

Nhưng không chỉ trong những ấn bản khác nhau của cuốn sách này, mà cả trong nhiều công trình và chương trình nghị sự khác nữa, Pasi Sahlberg đã nhấn mạnh rằng chúng ta cần có những tầm nhìn rộng hơn là điểm số. Ông cũng phê phán những cải tổ giáo dục toàn cầu chỉ xoay quanh những thước đo năng lực như vậy bằng một lối chơi chữ thú vị - ông gọi những trào lưu cải tổ toàn cầu, xuất hiện từ khoảng những năm 1980 bằng tên viết tắt GERM (Global Education Reform Movement), có nghĩa là vi khuẩn. Mặc dù vậy, trong ấn bản lần hai, chúng ta có thể nhận ra, Pasi Sahlberg cũng có những quan tâm nhất định tới việc tìm hiểu nguyên do đằng sau sự sụt giảm của Phần Lan trên bảng xếp hạng PISA kể từ năm 2012.

Tháng 12/2020, khi đại dịch COVID-19 mới bắt đầu bùng phát, Pasi Sahlberg đã gửi in bản thảo Bài học Phần Lan 3.0 với lời tựa của Howard Gardner và lời bạt của Sir Ken Robinson, hai nhà giáo dục mà nhiều người trong chúng ta yêu mến. Sự khác biệt lớn nhất của ấn bản lần này, đó là bên cạnh bài học về việc xây dựng hệ thống giáo dục Phần Lan vào khoảng những năm 2000, cuốn sách đã cho chúng ta thấy cách mà Phần Lan phản hồi lại sự sụt giảm thành tích trên bảng xếp hạng PISA, cũng như cách mà họ đối mặt với các thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra. Nếu một ai đó nói với bạn rằng “Ôi dào, giáo dục Phần Lan có quan tâm tới PISA đâu!”, thì có lẽ, bạn nên rủ họ cùng đọc cuốn này và tiếp tục thảo luận. Sẽ không khó để chúng ta nhận ra nhiều mối lo lắng của những nhà giáo dục và những nhà hoạch định chính sách ở Phần Lan.

Pasi Sahlberg nhận định, chỉ trong mười năm qua, kể từ khi ấn bản đầu tiên ra mắt, hệ thống giáo dục Phần Lan đã có những sụt giảm đáng kể (dựa trên dữ liệu PISA 2018, TIMSS 2016, và TALIS 2018). Một mặt, ông cho rằng các quốc gia khác – vốn là những người hâm mộ – đã nhanh chóng tiếp thu, học hỏi và vượt lên Phần Lan. Mặt khác, ông lo sợ rằng, hệ thống giáo dục Phần Lan, giống như một số lĩnh vực công khác, đã trở nên trì trệ và hầu như không có tiến bộ, mặc dù Phần Lan vẫn tiếp tục có thành tích tốt nếu xét về kết quả học tập tổng thể, sự gắn kết, hạnh phúc, và sự hài lòng của học sinh.

Thế nhưng, nếu ta nhận định rằng Pasi Sahlberg đang cổ suý cho việc quay trở lại “đua top” trên bảng xếp hạng PISA, thì có lẽ ta vẫn đang bị ám ảnh quá nhiều bởi việc sử dụng điểm số, các kì thi, và các bộ công cụ đo lường một vài năng lực cụ thể để phản ánh sự phát triển toàn diện. Không chỉ trong ấn bản lần ba này, mà trong nhiều công trình khác nữa, Pasi Sahlberg luôn nhấn mạnh, việc hướng tới sự công bằng và bình đẳng trong giáo dục, chính là một sự lựa chọn khác để chúng ta cải tổ các hệ thống giáo dục. Tất nhiên, những đặc tính cốt lõi của hệ thống giáo dục Phần Lan (vị thế của nghề giáo trong xã hội, sự tách biệt giữa vai trò chuyên môn và hoạch địch chính sách, nhà giáo là những nhà nghiên cứu lành nghề, không có ranh giới cho sự sáng tạo…) vẫn không hề bị mai một. Tuy nhiên, ta không thể coi chúng là những điều hiển-nhiên-đã-tốt-rồi.

Điều cuối cùng tôi muốn nhắc lại, đó là trên đời không tồn tại bất kì một thước đo nào để xác định một hệ thống giáo dục là tốt nhất hay tệ nhất thế giới cả, như Pasi Sahlberg đã cảnh tỉnh chúng ta. Và không phải cứ nhìn vào những gì một nước khác làm và bắt chước thì hệ thống giáo dục của chúng ta sẽ tự nhiên tốt lên.

Bạn đang đọc bài viết "Ngẫm đi ngẫm lại những bài học từ nền giáo dục Phần Lan" tại chuyên mục Văn hóa. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com