Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dịch bệnh là cú hích để thay đổi tư duy quản lý, sáng tạo trong giáo dục

PV
"Chính phủ cần giải quyết sớm một số vấn đề tồn đọng của ngành giáo dục để tạo điều kiện cho ngành thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với các cán bộ, giáo viên tiêu biểu toàn quốc.
d1

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các cán bộ- nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm ngày Hiến Chương Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ của giáo viên

Trò chuyện với đại diện các cán bộ- nhà giáo tiêu biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp, tôn sư trọng đạo đã lưu truyền trong tâm thức dân tộc ta, được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta.

Trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Gần 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này, nhưng đây cũng là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục.

Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ luôn trăn trở về những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến người dân, đến xã hội, trong đó có ngành giáo dục để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ. Hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh.

"Thậm chí, tôi biết nhiều thầy cô còn phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em đã trở thành mồ côi do mất cha mất mẹ trong dịch bệnh...".

Trong đó tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới sách giáo khoa đảm bảo khoa học, hiệu quả và phù hợp, đổi mới thi cử hiệu quả, có chính sách thu hút nhân tài, tăng cường dạy kỹ năng sống, chú trọng nâng cao hiệu quả chất lượng các môn học lịch sử, ngoại ngữ, tin học...

Không thể để học sinh phải học trực tuyến quá lâu

Năm học 2020 - 2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu nghị quyết 29 của Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

- Thứ nhất, về vấn đề học trực tuyến. Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để các cháu học trực tuyến quá lâu, giao Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch.

Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vắc xin. Ví dụ, chúng ta tổ chức các cháu đã được tiêm đầu cấp, cuối cấp, sinh viên học trực tiếp hoặc kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, trước hết thí điểm ở những nơi an toàn, mở rộng dần.

- Thứ hai, đối với giáo viên. Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập. Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ đã được thực hiện nhưng chúng ta cần rà soát lại, đề xuất các phương án phù hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh.

- Thứ ba, đối với các cháu học sinh. Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan quan tâm hơn nữa đến các cháu. Thực tế nhiều nơi đã thực hiện giảm học phí cho các cháu nhưng vẫn có một số nơi chưa làm.

d2

Các nhà giáo tiêu biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng

Về việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch. "Mục tiêu của chúng ta là không để cháu nào phải bỏ học do đại dịch, do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập".

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh sinh viên. Đồng thời, đối với các cháu mồ côi do COVID-19, các bộ, ngành liên quan cần rà soát đề xuất chính sách quan tâm đến các cháu một cách căn cơ, bài bản và dài hơi. Các bộ, ngành rà soát và điều chỉnh chính sách đối với trẻ em mồ côi, trẻ em trong các trung tâm bảo trợ xã hội.

- Thứ tư, về điều kiện trang thiết bị cho dạy học trực tuyến. Với tình hình diễn biến dịch hiện nay, chúng ta phải xây dựng nhiều phương án ứng phó với dịch bệnh trong việc dạy và học.

Để thuận lợi cho các học sinh học trực tuyến, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa..., Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho các cháu, triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" hiệu quả hơn để học sinh không thể vì thiếu điều kiện mà không được học trực tuyến. Đây cũng là điều được nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở trong kỳ họp vừa qua.