Ngân hàng định giá ra sao mà khoản nợ 389 tỷ đồng của nhà máy giấy BBP sau 20 lần rao bán giảm giá còn 63 tỷ?

Việc khoản nợ của 389 tỷ đồng nhà máy giấy BBP tại Vietinbank được hạ giá liên tục sau 20 lần rao bán đặt ra câu hỏi công tác định giá của ngân hàng liệu đã xác thực với tài sản?
ngan-hang-dinh-gia-ra-sao-ma-khoan-no-389-ty-dong-cua-nha-may-giay-bbp-pld-1686114324.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Phú Thọ (VietinBank Bắc Phú Thọ) vừa tiếp tục ra thông báo bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Giấy BBP. Đây là lần thứ 21 Vietinbank thông báo bán đấu giá khoản nợ này.

Toàn bộ khoản nợ bao gồm nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt, phí… tạm tính đến ngày 30/6/2022 là 389,2 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 212,5 tỷ đồng, lãi vay trong hạn là 154,7 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn là 21,8 tỷ đồng.

Trong lần rao bán thứ 21, Vietinbank đưa ra mức giá khởi điểm là hơn 63,6 tỷ đồng, chỉ 1/3 dư nợ gốc và chưa bằng 1/5 tổng dư nợ.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay của BBP bao gồm:

+ Toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị và các hạng mục khác phục vụ sản xuất giấy in, viết của dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy in, viết công suất 50.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Giấy BBP được đầu tư xây dựng, lắp đặt trên đất của 2 quyền sử dụng đất có diện tích 31.867m2 (Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 72690 do UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 4/11/2009 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AA 071945 cho UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 5/11/2004) tại khu Tầm Vông, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 12.39.0039/HĐTC ngày 10/9/2012 và các văn bản sửa đổi bổ sung kèm theo.

+ Toàn bộ nhà xưởng và vật kiến trúc khác được xây dựng trên đất của quyền sử dụng đất có diện tích 18.945m2 (Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 72690 do UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 4/11/2009 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AA 071945 cho UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 5/11/2004) tại khu Tầm Vông, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ theo hợp đồng thế chấp tài sản số 10.30.0038 ngày 22/4/2010 và các văn bản sửa đổi bổ sung kèm theo.

+ Dây chuyền thiết bị tẩy trắng bột tre công suất 10.000 tấn/năm, hệ thống thiết bị xeo, hệ thống máy khuấy bột, máy biến áp 1.500KVA, hệ thống cân điện tử... theo hợp đồng thế chấp tài sản số 10.30.0041 ngày 22/4/2010 và các văn bản sửa đổi bổ sung kèm theo.

+ 5 phương tiện vận tải gồm: 1 xe ô tô con biển kiểm soát 19L-5345; 2 xe Volvo 642; 1 xe ô tô tải biển kiểm soát 19L-6780; 1 xe nâng hàng theo hợp đồng thế chấp tài sản số 10.30.0037 ngày 22/4/2010 và các văn bản sửa đổi bổ sung kèm theo.

Có thể thấy tài sản thế chấp cho khoản nợ được liệt kê chủ yếu là nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất kiến trúc xây dựng trên đất, và các phương tiện vận tải... chứ không bao gồm quyền sử dụng đất.

Câu hỏi đặt ra là với mức giá thanh lý chỉ bằng 1/3 dư nợ gốc thì liệu việc định giá tài sản thế chấp ban đầu liệu có đúng với giá trị thực của các tài sản nói trên? Và ngân hàng chấp nhận mất trắng cả trăm tỷ đồng?