Người dân gửi ngân hàng gần 7 triệu tỷ đồng

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tính đến hết tháng 8 đạt hơn 6,92 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. So với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 8 tăng thêm 86.475 tỷ đồng.
image-20241117185023-1-1731897049.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Trong khi đó, lượng tiền gửi từ các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tại các ngân hàng đạt hơn 6,8 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm trước.

Tuy nhiên, trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, ở thời điểm cuối tháng 7, lượng tiền mà doanh nghiệp và tổ chức kinh tế gửi thêm vào ngân hàng là 69.586 tỷ đồng.

Tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 đạt kỷ lục hơn 13,76 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Lượng tiền tiết kiệm được người dân gửi vào ngân hàng đã tăng liên tiếp trong suốt 2 năm nay.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, một trong những lý do lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng liên tiếp trong thời gian qua là bởi lãi suất tiền gửi tăng khiến kênh tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn với những người chọn kênh đầu tư an toàn này. Nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác tiềm ẩn rủi ro như giá vàng biến động mạnh, thị trường chứng khoán bấp bênh… Điều đó giúp các nhà băng thu hút nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động đã tăng nhẹ từ tháng 4/2024. Hiện lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phổ biến ở mức 5-5,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và ở mức 4,5 - 4,8%/năm cho kỳ hạn 6 - 9 tháng.

Ở một diễn biến có liên quan, nhằm đảm bảo tính thống nhất về căn cứ pháp lý với các Thông tư quy định về lãi suất tiền gửi, ngày 1/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các Quyết định về lãi suất tiền gửi trong đó chỉnh sửa căn cứ pháp lý ban hành và không thay đổi các mức lãi suất tiền gửi.