Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định trong những năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Theo đó, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam. Quy mô vốn và chất lượng các dự án tăng lên đã góp phần tạo việc làm cho người lao động; nâng cao trình độ và năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặc dù, có những khó khăn, thách thức nhưng đã mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo đó, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư đã chia sẻ chiến lược đầu tư vào Việt Nam với tầm nhìn dài hạn. Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, cho biết sau hơn hai năm xảy ra đại dịch, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang gặp phải nhiều thách thức về địa chính trị rất lớn. Dòng vốn FDI của Nhật Bản trên thế giới chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2021 và đã giảm xuống còn có 49% trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, trong các đối tác hàng đầu về đầu tư của Nhật Bản, Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, hơn 59% vào năm 2021 và hơn 45% năm 2022.
Kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN.
Ông Marukawa, đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, cho biết Panasonic đã thiết lập tầm nhìn và cam kết cho 50 năm tiếp theo tại Việt Nam, là trở thành một Công ty cung cấp giải pháp sức khỏe toàn diện.
Với tầm nhìn đó, Panasonic đang mở rộng đầu tư những dự án như [thành lập Trung tâm sản xuất và nghiên cứu phát triển các thiết bị IAQ (giải pháp chất lượng không khí trong nhà) cho thị trường châu Á tại tỉnh Bình Dương; thành lập Trung tâm sản xuất và nghiên cứu phát triển các sản phẩm máy giặt, tủ lạnh thông minh cho thị trường châu Á tại tỉnh Hưng Yên và Hà Nội.
Tuy vậy, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như thiếu hụt nguyên liệu, chi phí vận chuyển ngày càng tăng cao. Đặc biệt là việc thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là trong mảng IT/AI (công nghệ thông tin, trí thông minh nhân tạo).
Ông Micheal Vũ Nguyễn, Giám đốc quốc gia Boeing tại Việt Nam, cho biết các nhà cung cấp từ Việt Nam đã sản xuất các bộ phận máy bay tiên tiến, bao gồm kết cấu hàng không cho Boeing. Giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam cho Boeing trong các năm qua là 200 triệu USD.
Trong khi đại diện Eurocham cho biết nhiều nhà đầu tư châu Âu vẫn trong trạng thái chờ đợi và xem diễn biến tiếp theo như thế nào trước khi quyết định đầu tư mở rộng, trong đó có đầu tư vào Việt Nam.
“Chúng tôi có thể đầu tư cơ sở hạ tầng như năng lượng, đường xá, hàng không, tuy nhiên có một số lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam mà chúng tôi vẫn còn ngại ngần”, đại diện Eurocham thông tin.