Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại
Ngày 30/11/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Nghị quyết 171/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025 và được thực hiện trong 5 năm.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 171/2024/QH15 nêu rõ, tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Các dự án thí điểm phải áp ứng điều kiện như phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt.
Các tổ chức kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Riêng trường hợp sử dụng diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án thí điểm thì phải đáp ứng các điều kiện trên và có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng đối với đất quốc phòng, Bộ Công an đối với đất an ninh.
Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 2026-2030
Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025.
Theo Nghị quyết, việc phân bổ vốn phải bảo đảm tập trung, hiệu quả, không dàn trải, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Nguyên tắc phân bổ gồm: Tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; tăng cường huy động vốn ngoài ngân sách, giảm các thủ tục hành chính; ưu tiên các dự án quan trọng quốc gia, các công trình hạ tầng giao thông, kết nối vùng, chuyển đổi số, năng lượng, an ninh nguồn nước; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong phân bố.Thứ tự phân bổ vốn được xác định như sau:
Dự án đầu tư công khẩn cấp; Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; Hoàn trả vốn ứng trước, thanh toán nợ đống xây dựng; Dự án hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn; Chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi quốc tế; Dự án PPP theo quy định về đầu tư đối tác công tư.
Nghị quyết cũng quy định các tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, vốn địa phương, vốn trong nước và vốn nước ngoài giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, các địa phương vùng miền núi, biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên phân bố vốn để thu hẹp khoảng cách phát triển.
Về định mức phân bổ vốn giai đoạn 2026 – 2030, sẽ dành tối đa không quá 30% vốn ngân sách Trung ương để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực (không bao gồm vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).
Mức vốn ngân sách Trung ương còn lại được phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương theo ngành, lĩnh vực. Các bộ, cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm phân bổ cụ thể cho các chương trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật và theo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên quy định tại Nghị quyết này.
Cấp xã không còn ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025 có nhiều điểm mới. Trong đó, điều 4 luật này quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong đó không còn nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã.
Như vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.
Do đó, kể từ ngày 1/4, HĐND cấp xã và UBND cấp xã không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy. Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, trừ chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
Theo quy định tại Nghị định, chứng thư chữ ký điện tử được phân loại như sau: Chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia tự cấp tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy.
Chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy. Chứng thư chữ ký số công cộng là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao.
Chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là chứng thư chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng cấp.
Cũng theo Nghị định, chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số theo quy định trên chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch và các hoạt động theo đúng thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và chức danh được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số.
Việc ký thay, ký thừa lệnh theo quy định của pháp luật thực hiện bởi người được giao, ủy quyền sử dụng chữ ký số của mình, được hiểu căn cứ vào chức danh của người ký số ghi trên chứng thư chữ ký số.
Nghị định gồm 4 chương, 48 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2025.
Quy định mới về quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2025/NĐ-CP ngày 24/2/2025. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 12/4/2025.
Trong đó, Nghị định số 31/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP như sau: Xuất khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh: Cá nhân, tổ chức có văn hóa phẩm xuất khẩu đã được sản xuất, công bố, phổ biến và lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam khi xuất khẩu chỉ làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...
Quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Nghị định quy định rõ các nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng. Cụ thể, lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.
Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
Thực hiện tách bạch tiền lương, thù lao của Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên với tiền lương của Ban điều hành.
Nghị định số 44/2025/NĐ-CP của Chính phủ gồm 7 chương, 34 điều, có hiệu lực từ ngày 15/4/2025.
Sửa chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm
Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 (Nghị định 116) quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Nghị định số 60 được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 116, đồng thời tiếp tục kế thừa các kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút sinh viên giỏi, tâm huyết vào học và làm việc, cống hiến cho ngành giáo dục.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/4/2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025-2026.
Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.
Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên giảng dạy tại cơ sở giáo dục phổ thông, trường dự bị đại học, bao gồm: nhiệm vụ, thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm, định mức tiết dạy, chế độ giảm định mức tiết dạy và quy đổi các hoạt động khác ra tiết dạy. Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4/2025.
Quy định về xét tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”
Bộ Công an ban hành Thông tư 20/2025/TT-BCA quy định về xét tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Thông tư 20/2025/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 28/4/2025.
Thông tư 20/2025/TT-BCA quy định về nguyên tắc, đối tượng, tiêu chuẩn, hồ sơ, tuyến trình đề nghị xét tặng và trao tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” (sau đây viết gọn là Kỷ niệm chương).
Quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, bao gồm: bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo; quy trình thực hiện kiểm định và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/04/2025.
Quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững
Thông tư số 09/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025” có hiệu lực từ ngày 20/4/2025.
Thông tư 09/2025/TT-BTC quy định các nội dung chi nhằm phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững, bao gồm: Xây dựng tài liệu về kinh doanh bền vững; kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng, nhà đầu tư; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về kinh doanh bền vững; bồi dưỡng nâng cao nhận thức; xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững.
Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững theo Chương trình 167 và quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm xác định nội dung và đối tượng hỗ trợ theo đúng quy định. Việc xác định chi phí, kinh phí hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ thực hiện theo Thông tư số 52/2023/TT-BTC. Mức hỗ trợ ngân sách cho từng nội dung áp dụng theo định mức cao nhất quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.