Những trái tim cao đẹp giữa bom đạn tàn khốc
Lật giở từng trang sử qua các kỷ vật, ta bắt gặp hình ảnh những nhà lãnh đạo, những trí thức yêu nước đã đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân vì đại cục. Bản thảo hồi ký của bà Bùi Thị Nga, phu nhân của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kể về câu chuyện của những con người vừa là tri kỷ, bạn đời, vừa là đồng chí kiên trung, son sắt đã đồng cam cộng khổ, xông pha vào cuộc chiến đấu ác liệt, giữa mưa bom bão đạn, giữa lằn ranh sinh tử trong đó có những chi tiết hết sức xúc động: Giữa lúc đang cấp tập chuẩn bị cho Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, tin con gái Huỳnh Lan Khanh hy sinh như sét đánh ngang tai. Nỗi đau mất con tưởng chừng không thể chịu đựng nổi nhưng ông bà đã nén chặt vào lòng để tiếp tục nhiệm vụ cách mạng quan trọng đang ở giai đoạn nước rút. Bà Nga nghẹn ngào ghi lại trong hồi ký: Khi được đề nghị ra tiếp và bố trí cho đoàn thanh niên nam nữ Việt Nam ở Campuchia tự nguyện về nước chiến đấu, tôi vội gạt nước mắt lặng lẽ đi ngay, đón con người ta mà khóc con mình sao được! Suốt ngày hôm đó, anh và tôi gặp nhau không trao đổi một lời. Tôi lo tiếp nhận thanh niên. Anh đi họp liên tục..". Một sự hy sinh thầm lặng, cao cả, minh chứng cho tinh thần "việc nước trước việc nhà" của những người cộng sản kiên trung.
Tinh thần ấy còn lan tỏa mạnh mẽ trong giới trí thức. Nhiều người đã từ bỏ cuộc sống tiện nghi nơi thành thị, dấn thân vào chiến khu gian khổ, hiến dâng tài sản, trí tuệ và cả tính mạng cho cách mạng. Bản thảo hồi ký của bà Nguyễn Thị Trang (Vân Trang), nguyên Phó Tổng Thư ký Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam khu Sài Gòn-Gia Định gửi con trai là chiến sĩ biệt động thành trước ngày bà vào chiến khu, thấm đẫm tình yêu nước và tình mẫu tử: "Bây giờ con đang ở đâu? Mẹ đã bỏ tất cả, kể luôn sinh mạng của mình, bước thẳng vào cuộc chiến đấu, đâu chỉ riêng vì nghĩa nước. Tình nhà không ngày đêm ray rứt con người hay sao! Nhà và Nước không tách rời nhau. Đó là truyền thống của gia đình ta…". Lời nhắn gửi ấy không chỉ là tiếng lòng của một người mẹ, mà còn là tâm niệm của biết bao người Việt Nam yêu nước.

Tập di cảo thơ "Những ngày tháng Tám" của nhà thơ, nhà giáo, liệt sĩ Trần Quang Long - Ảnh: VGP/Thu Hoàn
Những vần thơ thép-vũ khí diệt thù
Trong số những kỷ vật gây xúc động mạnh mẽ, không thể không nhắc đến những lá thư tay và tập di cảo thơ "Những ngày tháng Tám" của nhà thơ, nhà giáo, liệt sĩ Trần Quang Long. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy nhiệt huyết của ông là bản hùng ca về một trí thức yêu nước đã dùng thơ ca làm vũ khí chiến đấu. Sau Tết Mậu Thân 1968, ông vào chiến khu, tiếp tục cống hiến cho cách mạng trong khi người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng bị địch bắt giam. Lá thư ông viết cho vợ trước ngày lên đường dồn nén biết bao cảm xúc nhưng cũng thật kiên định: "…Ra đi giữa lúc này, giữa lúc em sắp đến ngày sinh nở, lại đang ở trong tù, anh thật chua xót vô cùng. Tình trạng khổ cực của chúng mình là tình trạng chung và nếu đem so với sự hy sinh anh dũng của bao nhiêu người khác, thật chưa đáng kể vào đâu… Con trai sẽ là Trần Xuân Thắng, con gái sẽ là Ngọc Chân, nhé em. Ngày hòa bình, anh sẽ đem về cho em một tập thơ thật dày để tặng riêng em. Anh tin tưởng "Xuân Thắng" sẽ về một ngày rất gần".
Nhưng một trận bom Mỹ trút xuống căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh ngày 11/10/1968 đã khiến Trần Quang Long hy sinh khi mới 27 tuổi, khi chưa kịp gặp mặt đứa con trai đầu lòng. Trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn mang theo tập di cảo thơ viết tay "Những ngày tháng Tám" với rất nhiều bài thơ thấm đẫm tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc:
Có những phút làm nên lịch sử
Có những ngày không thể ai quên
Ngày triệu triệu con người lớp lớp đứng lên
Ngày xoay chuyển cả ba miền Tổ quốc…
Tập di cảo thơ được "chưng cất" bằng tình yêu đất nước nồng nàn của nhà thơ-chiến sĩ tài hoa, dũng cảm ấy vẫn còn rõ những vết cắt do bom xuyên qua, làm rách nhiều trang và thấm những vệt máu của người liệt sĩ. Đó là minh chứng cho một cuộc đời đã sống, chiến đấu và "viết lịch sử mình trên mặt đất/ Bằng từng nét máu thắm tươi" như ông đã tuyên thệ. Nửa thế kỷ đã qua, anh Trần Xuân Thắng, con trai liệt sĩ, xúc động chia sẻ: "Trong lòng tôi vẫn luôn đau đáu nghĩ về cuốn thơ thấm máu của ba, nghĩ về tiếng gào khóc của má khi đồng đội của ba trao lại tập thơ, càng thấy ý nghĩa lớn lao của hòa bình mà dân tộc ta đã giành được".

Chiếc túi vải thấm máu Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Huỳnh Lan Khanh, con gái của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Ảnh: VGP/Thu Hoàn
Tuổi trẻ anh hùng, khí tiết ngời sáng
Bên cạnh những vần thơ thép là câu chuyện về người con gái tuổi đôi mươi đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc: Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Huỳnh Lan Khanh, con gái của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Chiếc túi vải màu xanh, sờn ố theo thời gian, còn thấm máu đào của chị. Mới 17 tuổi, đang là nữ sinh, chị Huỳnh Lan Khanh đã cương quyết từ chối cơ hội ra Bắc học tập để ở lại miền Nam chiến đấu. Trong một lần tham gia tải gạo vào tháng 1/1968, chị và đồng đội rơi vào ổ phục kích của địch. Bị thương và bị bắt lên trực thăng, để bảo toàn khí tiết, người con gái kiên cường ấy đã nhảy xuống và anh dũng hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi. Chiếc túi vải thấm máu trở thành kỷ vật minh chứng cho sự hy sinh quả cảm của một trái tim trẻ tuổi, trong sáng, yêu Tổ quốc thiết tha đã "cháy" hết mình cho lý tưởng như "vì sao" lấp lánh mà nhà nhơ Nguyễn Trọng Tạo từng ngợi ca: Tuổi trẻ như sao trời mát mắt/ Khi yên bình hạnh phúc ngước nhìn lên/ Và cháy bùng như lửa thiêng liêng/ Khi giặc giã đụng vào bờ cõi...

Hòm đạn của liệt sĩ Lê Quang Lộc và băng đeo tay bà Huỳnh Quan Thư đã đeo đi tìm chồng trong ngày 30/4/1975 - Ảnh: VGP/Thu Hoàn
Những kỷ vật nơi tuyến đầu và hậu phương
Cuốn sổ công tác của ông Bến Hải, nguyên phóng viên Báo Giải Phóng, người đã không quản ngại nguy hiểm, xông pha nơi tuyến lửa để kịp thời đưa tin chiến sự ác liệt nơi chiến trường với 300 trang viết tay trong 02 năm 1968-1969. Trong đó có tin vui thắng trận, có nỗi đau tột cùng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, có cả những vần thơ với niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của dân tộc ngân vang giữa mưa bom bão đạn:
Không xa lắm, trong một ngày hoan hỉ
Ngày mai thôi, ngày thống nhất Bắc Nam
Ngày mai đây giết hết giặc bạo tàn
Vui sum họp ngày vinh quang đắc thắng…
Chiếc thùng đạn khắc bí danh "Sáu Quý" của liệt sĩ Lê Quang Lộc, một cán bộ Mặt trận, cán bộ Thành Đoàn kiên trung, kể câu chuyện về những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn, mũi tiến công do ông chỉ huy lọt vào trận địa pháo địch. Ông và đồng đội đã cầm cự, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh tại Hóc Môn vào rạng sáng 15/4/1975, chỉ hơn hai tuần trước ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ông đã ngã xuống như biết bao người con ưu tú khác, góp máu xương viết nên trang sử vàng của dân tộc. Đi cùng với kỷ vật của ông là chiếc băng đỏ đeo tay "Đội Thanh niên Tự vệ - Võ trang Thành phố Sài Gòn - Gia Định" mà bà Huỳnh Quan Thư, vợ ông, đã đeo trong ngày đại thắng 30/4/1975 đi tìm chồng, mà không hề hay biết ông đã mãi mãi nằm lại nơi cửa ngõ Sài Gòn. Hai kỷ vật đặt cạnh nhau là lời nhắc nhở sâu sắc về nỗi đau thương, mất mát mà chiến tranh gây ra, để ta thêm trân quý giá trị của hòa bình.
Trong khói lửa chiến tranh, tình yêu vẫn nảy nở, mãnh liệt và thiêng liêng. Những cuốn nhật ký, rất nhiều lá thư tay thời chiến đang được lưu giữ tại bảo tàng đong đầy tình cảm lứa đôi hòa quyện với tình yêu lý tưởng, tình yêu đất nước với niềm tin, sự thủy chung son sắt: "khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau", sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng tư để cùng nhau dốc lòng, dốc sức cho sự nghiệp chung.

Chiếc đèn dầu tự chế từ vỏ đạn của ông Nguyễn Văn Xòe (Năm Xòe), một cán bộ giao liên - Ảnh: VGP/Thu Hoàn
Sức sáng tạo vượt gian khó
Chiến tranh không chỉ thử thách lòng dũng cảm mà còn tôi luyện ý chí và khơi nguồn sáng tạo. Giữa muôn vàn thiếu thốn, gian khổ nơi chiến khu, những con người bình dị mà cao quý đã tự chế tạo nhiều vật dụng độc đáo để phục vụ chiến đấu và sinh hoạt. Đó là tấm bản đồ vẽ tay tỉ mỉ trên giấy giúp cán bộ di chuyển thuận lợi giữa khói lửa chiến tranh. Đó là chiếc đèn dầu được ông Nguyễn Văn Xòe (Năm Xòe), một cán bộ giao liên chế tác công phu từ vỏ đạn thu được, trở thành người bạn đồng hành soi đường dẫn lối trong những chuyến đi. Ánh đèn dầu ấy không chỉ là ánh sáng vật lý mà còn là ánh sáng của niềm tin, của ý chí kiên định khi bản thân ông nhiều lần găp nguy hiểm, bị thương nhưng luôn quyết tâm bảo vệ cán bộ, bảo vệ tài liệu đến cùng.
Kỷ vật chiếc rựa (dao) được rèn từ nhíp ô tô của ông Nguyễn Minh Hồng gắn với câu chuyện về người cán bộ quân bưu tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi. Chiếc rựa sắc bén ấy không chỉ giúp ông phòng vệ trên đường công tác mà còn góp phần dựng lán, đào hầm cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong chiến khu. Chiếc đèn tự chế từ lọ thuốc, chiếc chảo được rèn dũa từ vỏ bom Napan… của các cán bộ, chiến sĩ để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu là minh chứng cho tinh thần vượt khó, vượt khổ, đầy sáng tạo của con người Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, thiếu thốn.
Ý chí kiên trung, bất khuất sau song sắt
Ngay cả trong những nhà tù tối tăm, khét tiếng của địch với những cực hình tra tấn tàn bạo, nhưng lòng yêu nước, ý chí, bản lĩnh, tinh thần kiên trung, bất khuất và niềm tin tất thắng của dân tộc ta vẫn luôn tỏa sáng. Những kỷ vật của các tù nhân chính trị Côn Đảo là minh chứng sống động cho điều đó. Ông Phan Thanh Sỹ, giữa cảnh tù đày đã tỉ mẩn thêu lên chiếc khăn mùi soa dòng chữ đầy khí phách: "Mái đầu xanh ghi trang lịch sử, mảnh khăn này khắc chữ tương lai". Bà Nguyễn Thị Ngọc Lành, bà Lê Thị Sáu gửi gắm khát vọng hòa bình, thống nhất qua hình ảnh cánh chim thêu trên chiếc gối. Giáo sư Nguyễn Văn Chì thể hiện tinh thần "thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao" qua bức tranh thêu cảnh đêm trăng thanh bình. Những kỷ vật đó toát lên lời khẳng định đanh thép: Chế độ nhà tù hà khắc có thể giam cầm thể xác nhưng không thể vùi dập được ước mơ, hy vọng, không thể khuất phục ý chí và tinh thần lạc quan của những người chiến sĩ cách mạng.
Lời nhắn gửi thế hệ mai sau
Hiểu rằng con đường cách mạng đầy chông gai và hy sinh luôn cận kề, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chọn cách viết nhật ký thay lời nhắn gửi cho người ở lại. Cuốn nhật ký của ông Nguyễn Hữu Phước và bà Hoàng Lê Tuyết Ngọc, hai cán bộ Thành Đoàn nhiệt huyết, là một "bảo bối" như vậy. Những trang viết nhuốm màu thời gian, thấm đẫm tình yêu thương gia đình, tình yêu đôi lứa son sắt và lòng yêu nước nồng nàn đã lay động biết bao trái tim. Họ viết về lý tưởng sống, về trách nhiệm "nuôi con khôn để mai này giữ nước", những dự cảm về sự hy sinh và cả những mong ước đối với con: "Nếu cha mẹ không gặp rủi ro gì trên đường tranh đấu, cha mẹ sẽ tăng gia sức lao động để kiếm tiền nuôi con ăn học thành tài... Nếu cha mẹ gặp rủi ro thì con phải tự lực phấn đấu...". "…Cha không thể viết nhiều ở đây nhưng cha tin tưởng chắc chắn rằng con sẽ không bao giờ đi ngược lại dòng máu của tiền nhân và cha ông để lại. Lớn lên con phải noi gương này của cha mẹ. Đã hy sinh cho đất nước là phải hy sinh hết mình, đừng bao giờ lạm dụng chữ hy sinh đó để đòi hỏi người khác phải phục vụ mình…"
Lời dặn dò con tiếp bước con đường mà cha mẹ đã đi, hy sinh hết mình cho đất nước thật giản dị mà sâu sắc. Cuốn nhật ký còn có những trang trống chỉ ghi ngày tháng là dấu lặng của khoảng thời gian ông Hữu Phước bị bắt giam, bà Tuyết Ngọc bị địch theo dõi, phải ôm con chạy trốn. Những trang có vết xé được chú thích do có bút tích của một số đồng đội chiến đấu vì sợ địch khám xét nhà lấy cuốn nhật ký nên phải xé để đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, trang nhật ký ngày 30/4/1975 được ông Nguyễn Hữu Phước trang trí trang trọng, ghi lại niềm hạnh phúc vỡ òa trong ngày Sài Gòn giải phóng, ngày "vinh quang nhất của lịch sử": "Con ơi, sung sướng quá!... Ôi! Sài Gòn giải phóng, lòng cha sung sướng đến run lên... Trên con đường Lê Văn Duyệt, các anh tiến về "Dinh Độc Lập" ào ào như thác đổ... chấm dứt mấy nghìn năm nô lệ".
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật kháng chiến đã đi cùng năm tháng sẽ trường tồn với thời gian. Đó là những chứng tích chân thực, sinh động về một chặng đường lịch sử đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng, vẻ vang được viết nên từ công sức to lớn, thành quả vĩ đại của cả dân tộc và xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Hơn cả việc tái hiện quá khứ, những kỷ vật thiêng liêng ấy còn soi rọi vào hiện tại và tương lai, nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa và giá trị của hòa bình, độc lập; về sự cống hiến, hy sinh quên mình của các thế hệ cha anh và sự ủng hộ quý báu của bạn bè quốc tế. Đây chính là nguồn động lực tinh thần lớn lao, là nguồn cảm hứng bất tận để thế hệ hôm nay và mai sau vững bước trên con đường xây dựng, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.