Những thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới, tinh vi trên không gian mạng nhằm đánh lừa các nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
tuyen-truyen-phong-ngua-toi-pham-lua-dao-tren-mang-cho-cong-nhan-tai-khu-cong-nghiep-truong-xuan-pld-1681296120.jpg
Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên mạng cho công nhân tại Khu công nghiệp Trường Xuân (Quảng Nam). (Ảnh THẾ CÔNG)

Vừa qua, công an một số địa phương phát đi cảnh báo, trên không gian mạng xuất hiện phương thức lừa đảo mới bằng việc sử dụng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan công an tiếp nhận thông tin từ một số nạn nhân cho biết, họ nhận được các cuộc gọi video từ tài khoản trên các ứng dụng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp, có hình ảnh và giọng nói giống thật, đối tượng cho biết đang gặp khó khăn hoặc cần tiền gấp để giải quyết công việc, đề nghị chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng. Sau khi chuyển tiền xong, các nạn nhân mới phát hiện ra mình bị lừa.

Theo các chuyên gia công nghệ, để thực hiện chiêu thức lừa đảo này, các đối tượng đã tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng trên các tài khoản mạng xã hội, rồi sử dụng công nghệ Deepfake để tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video giả mạo người thực với độ chính xác rất cao, nhằm chiếm được lòng tin. Sau đó, đối tượng thực hiện cuộc gọi video giả mạo người thân, bạn bè vay tiền, giả mạo con em đang du học nước ngoài gọi cho bố mẹ chuyển tiền đóng học phí để chiếm đoạt tài sản.

Cùng với việc sử dụng công nghệ Deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo, thời gian qua, các đối tượng còn tạo dựng nhiều kịch bản nhằm vào các bậc cha mẹ học sinh để lừa đảo. Mới đây, một số bậc cha mẹ học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) nhận được các cuộc điện thoại thông báo con em mình đã mua đồ ăn, quần áo, vật dụng… nhưng chưa trả đủ tiền và để lại thẻ học sinh, đồng thời yêu cầu họ trả tiền vào số tài khoản được cung cấp. Trước tình hình này, Trường THPT Kim Liên đã phát đi thông báo khẩn đến các bậc cha mẹ và học sinh đề cao cảnh giác, tránh mắc phải thủ đoạn lừa đảo.

Trước đó, nhiều bậc cha mẹ học sinh ở Hà Nội và một số địa phương nhận được các cuộc điện thoại mạo danh giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế báo tin con em bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện, yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí. Vì quá lo lắng, một số người đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng, có trường hợp đã chuyển hai lần, tổng cộng 200 triệu đồng. Thủ đoạn lừa đảo này không chỉ gây mất tiền mà còn gây ra tâm lý bất an, lo lắng cho các bậc cha mẹ học sinh, nhất là các gia đình có con đang học tập xa nhà.

Gần đây, nhiều người dùng điện thoại di động nhận được các cuộc gọi mạo danh nhà mạng yêu cầu cung cấp tên tuổi, số căn cước công dân để phục vụ việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, nếu không cung cấp, thuê bao sẽ bị khóa trong vài giờ. Khi người dùng điện thoại làm theo hướng dẫn, đối tượng chiếm đoạt sim, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, ví điện tử, rồi chiếm đoạt tiền.

Những năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hàng chục nghìn vụ, đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại, internet, mạng xã hội. Nhiều đối tượng còn giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện qua giao thức internet (VoIP) hăm dọa người bị hại có liên quan các vụ án đang điều tra, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng cung cấp hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP ngân hàng để kiểm tra, xác minh, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.

Theo ghi nhận từ Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn) cho biết, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng chỉ ra 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng, như: lập các trang web, tin nhắn, email giả mạo ngân hàng, tổ chức tài chính, cơ quan nhà nước, yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân; chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội để gửi tin nhắn lừa đảo bạn bè, người thân của chính chủ; thông báo vi phạm pháp luật khiến nạn nhân hoang mang; lập trang bán hàng online trên Facebook để lừa đảo.

Cơ quan công an xác định, qua nhiều vụ án cho thấy tội phạm lừa đảo qua mạng chủ yếu ở nước ngoài, nên công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Bộ Công an đã tăng cường khuyến cáo người dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm; tăng cường lực lượng nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm.

Hiện Bộ Công an đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc nâng cao chất lượng định danh tài khoản điện thoại, tài khoản ngân hàng, từ đó, làm sạch toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu tài khoản ngân hàng, tiến tới các tài khoản ngân hàng phải được mở tài khoản chính chủ. Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục tăng cường hợp tác về tư pháp quốc tế, tương trợ tư pháp với các nước để xử lý loại tội phạm sử dụng công nghệ cao có máy chủ đặt ở nước ngoài.

Các chuyên gia an toàn thông tin cũng chỉ ra một số biện pháp phòng ngừa người dân cần thực hiện: Không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình trên các trang mạng và cho những người không quen; kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền vào tài khoản của bất kỳ ai; luôn kiểm tra địa chỉ website trước khi truy cập; không mở các tin nhắn, email từ nguồn không rõ ràng; không đưa tiền trước khi nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ; sử dụng các phần mềm bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân của mình; luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội với nội dung vay mượn tiền, chuyển tiền gấp; liên hệ cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo...