Nợ xấu tăng nhanh, ngân hàng ráo riết cơ cấu lại, bán thanh lý tài sản bảo đảm

Do nợ xấu tăng nhanh và sẽ tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm, nên các ngân hàng đang ráo riết cơ cấu, bán thanh lý tài sản bảo đảm để thu nợ song rất chật vật trong bối cảnh cả nền kinh tế đang lao đao vì Covid-19.
4106_hYi_thYo

 Nợ xấu tăng nhanh, ngân hàng ráo riết cơ cấu, bán thanh lý tài sản bảo đảm để thu nợ.

Nợ xấu tăng nhanh, ngân hàng xử lý ra sao?

“Chỉ ăn và đi cơ cấu nợ” đây là chia sẻ của giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn có trụ sở ở Hà Nội. Vị này cho biết, suốt từ tháng 6 đến nay, công việc chính của chi nhánh là cơ cấu nợ. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở ngân hàng nói trên mà cả ở hầu hết các ngân hàng.

Cũng theo vị giám đốc chi nhánh, tình trạng nợ xấu trên báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm mà các ngân hàng công bố, thậm chí cả ở báo cáo 9 tháng cũng chưa đầy đủ vì thực tế phát sinh cao nhưng đã được các ngân hàng cơ cấu, giãn, hoãn cho khách và vẫn giữ nguyên nhóm nợ. “Còn nếu chuyển thì toàn bộ các khoản hoãn ấy đã thành nợ xấu rồi”, vị này nói.

Do đó, phải đến tháng 12 khi các ngân hàng sắp xếp xong các khoản nợ, lúc đó bức tranh nợ xấu mới thấy rõ sự khác biệt, bởi những đối tượng có khả năng sẽ được cơ cấu và những khoản nợ xấu phát sinh mới cũng được ghi nhận.

Và đây là điều các ngân hàng lo lắng hiện nay: Nhiều khoản nợ lớn không được cơ cấu sẽ “bung” khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Do đó, nhiều ngân hàng đang tìm cách để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu cuối năm cán đích dưới 3%. Còn với ngân hàng lớn như của vị giám đốc chi nhánh này, tỷ lệ nợ xấu chỉ được phép dưới 1,5%, không thể vượt lên trên 2%.

“Vậy, giảm nợ xấu bằng cách nào khi vẫn không thể thu hồi được nợ?”, PV đặt câu hỏi. “Chuyển những món nợ không được cơ cấu ra ngoại bảng và giữ nguyên nhóm nợ thêm một thời gian. Có nhiều ngân hàng đang tìm cách tăng mạnh tỷ lệ tín dụng để từ đó giảm tỷ lệ nợ xấu hoặc nhiều ngân hàng đang tìm cách ép khách hàng tự xử lý”, vị giám đốc chi nhánh cho hay.

Cũng theo ông này, nếu không “cứu” được thì nhiều nơi chọn cho vay bắt buộc, nhưng phải bảo đảm là trong thời kỳ thẩm định, tiền chắc chắn sẽ về.

Cho vay bắt buộc ở đây được hiểu là trong bối cảnh hiện nay khách hàng đang nợ nhưng đến hạn chưa trả được nợ, phải chuyển thành nợ xấu, nhưng theo đánh giá của ngân hàng vẫn có khả năng thu hồi nợ nên ngân hàng sẽ cho vay thêm để kéo dài thời hạn, đồng thời giảm phần lãi và gốc mà khách hàng phải trả định kỳ.

Tất nhiên, cách xử lý này không phải khách hàng nào cũng được ưu ái và bản thân doanh nghiệp phải cam kết. Theo tiết lộ của vị này, riêng khoản được cơ cấu tại chi nhánh của ông lên vài trăm tỷ đồng, còn nếu tính cả hệ thống ngân hàng này là vài chục nghìn tỷ.

Chỉ cần trích lập dự phòng theo tỷ lệ 30% thì ngân hàng cũng rơi vào thế khó, lợi nhuận năm 2021 khó có thể giữ được tăng trưởng như các năm trước và sang 2022 sẽ bắt đầu “ngấm đòn”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp đang hoạt động mà bị nợ xấu giống như người đột nhiên mắc bệnh ung thư hoặc bị tuyên án tử hình vì tất cả các ngân hàng đều quay mặt.

Ngân hàng ráo riết bán tài sản thế chấp

Với nợ xấu, muốn vớt vát phần nào tiền gốc ngân hàng chỉ còn cách bán tài sản bảo đảm. “Nhưng cứ anh nào nợ xấu cũng mang tài sản bảo đảm ra bán sạch sẽ không còn gọi là hỗ trợ doanh nghiệp nữa. Tuy nhiên, ngân hàng không phải in ra tiền mà là mượn của dân để cho vay. Mà vay của dân không thể thiếu một xu gốc, lãi”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, các ngân hàng được phép cơ cấu nợ, cơ cấu lãi, giãn hoãn nợ cho khách hàng. Nhưng nợ cơ cấu ấy là nợ xấu tiềm ẩn đã được ngân hàng cơ cấu thì đều là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nợ rất xấu.

“Nợ xấu bắt đầu có xu hướng gia tăng từ tháng 3/2021 đến cuối năm. Nếu được cơ cấu tiếp đến tháng 8/2022 lại tiếp tục một dòng nợ xấu nữa. Nếu xác định nợ xấu là 30% tổng số nợ tái cơ cấu thì trong trường hợp may mắn, doanh nghiệp phục hồi tốt, tỷ lệ này giảm đi, có thể còn 10-20%”, ông Hùng nhận định.

Để tăng mạnh khả năng thu hồi nợ, các ngân hàng đang ráo riết bán các tài sản thế chấp. Nhưng việc bán tài sản bảo đảm thời điểm này cũng không dễ dù ngân hàng liên tục hạ giá. Hy hữu, có nhóm tài sản thế chấp được ngân hàng cho vay vốn là BIDV rao bán tới lần thứ 42 vẫn không thành như trường hợp của Công ty CP Thúy Đạt (tại Khu Công nghiệp Hoà Xá, TP Nam Định).

Ban đầu, các tài sản bị thanh lý là toàn bộ tài sản gắn liền với đất như nhà điều hành kiêm văn phòng, nhà xưởng; toàn bộ hệ thống dây chuyền máy móc… với giá khởi điểm trên 110 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm rao bán và thậm chí đã được xé lẻ để thanh lý nhưng đến nay nhóm tài sản này vẫn còn lại dây chuyền in và một số máy móc thiết bị.

Hai nhóm tài sản này có giá khởi điểm ban đầu hơn 26 tỷ đồng nhưng nay đã được hạ giá còn hơn 6 tỷ đồng vẫn chưa có người mua. Ngoài tài sản cần thanh lý của Công ty Thuý Đạt, BIDV còn nhiều tài sản khác rao bán 5 lần, 7 lần và nhiều lần hơn, trong đó có nhiều khối tài sản là bất động sản trí giá hàng trăm, nghìn tỷ nhưng vẫn đang “ế”.

Không chỉ BIDV mà các ngân hàng khác cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Khi cho vay, ngân hàng chấp nhận tài sản bảo đảm rất đa dạng từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho…

Tuy nhiên, tài sản bảo đảm chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là bất động sản. Tại 10 ngân hàng lớn nhất hệ thống (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, Sacombank, Techcombank, MB, ACB, HDBank, VPBank), tài sản thế chấp là bất động sản đang chiếm khoảng 70% trong tổng giá trị tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, chưa tính nợ xấu phát sinh cho Covid-19 mà các khoản nợ xấu khác phát sinh trong quá trình cho vay thời gian gần đây muốn phát mại tài sản cũng không được vì không ai “rước nợ vào người” trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. “Nợ xấu phát sinh là do doanh nghiệp nên giờ chỉ mong doanh nghiệp phục hồi, sản xuất kinh doanh và có doanh thu, lợi nhuận thì mới giảm được nợ xấu”, ông Hùng nói.

Trong báo cáo vừa phát hành, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, nợ xấu của ngành ngân hàng đang tăng cao hơn dự kiến và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành này.

Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1 - 7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.

Còn tại cuộc gặp mặt cử tri TP.HCM mới đây, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chia sẻ đồng hành với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp các vùng chịu tác động nặng nề của dịch như TP.HCM. Với các đối tượng cần ưu tiên thì ưu tiên nhiều hơn, trong bối cảnh nguồn lực có hạn thì không thể cào bằng.

“Cuối năm 2021, đầu năm 2022 Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục xem xét điều chỉnh Thông tư 14 để phù hợp với mức độ dịch và hoàn cảnh doanh nghiệp. Chính sách không phải đóng đinh mà hoan toàn linh hoạt”, ông Tú nói.

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới./.