Chỉ những ngân hàng mạnh
Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng được thực hiện trên cơ sở: kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro,...
“Việc thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ. Đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng”, thông báo của Ngân hàng nhà nước cho biết.
Động thái nới lỏng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước diễn ra trong bối cảnh các nhà băng đã cạn “room” sau nửa năm. Gần đây lãi suất huy động tại một số nhà băng rục rịch tăng cao gây áp lực cho doanh nghiệp vì lãi suất vay cũng sẽ bị đội lên theo. Với lĩnh vực bất động sản, việc tiếp cận vốn lại càng khó.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), dẫn số liệu trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước, cho biết tổng dư nợ tín dụng bất động sản là 2,33 triệu tỉ đồng đạt mức tăng trưởng 12,31% cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế là 9,35%.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng kinh doanh bất động sản chỉ là 786.000 tỉ đồng, chỉ đạt mức tăng trưởng 8,4%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế 9,35%. Điều đó cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn so với trước đây.
Theo số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 26/8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Chưa hẳn là tin vui
Bình luận về động thái nới tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, ông Châu cho biết đây chưa hẳn là tin vui vì hạn mức tín dụng này chỉ là con số còn lại trong mức trần 14% của năm 2022.
“Ngân hàng Nhà nước đã tính toán ngay từ đầu năm nên việc này không phải diễn biến mới với thị trường bất động sản”, ông Châu cho biết.
Theo ông Châu, chính sách tín dụng là một công cụ rất hiệu quả để điều tiết nền kinh tế và thị trường bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay Nhà nước đang thực hiện nhiều chính sách để phục hồi và tái phát triển nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản cũng nhắc lại đề xuất đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất (Big 4) và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.
Cơ cở cho đề xuất này, theo ông Châu, là Việt Nam có hoạt động tín dụng đang tốt. Mới đây, hãng đánh giá tín dụng Moody’s vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ tích cực sang ổn định.
Nói thêm về việc cho vay, ông Châu cho rằng ngoài nhóm doanh nghiệp được ưu tiên cho vay theo chính sách chiếm số ít trong nền kinh tế, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng ưu tiên nhưng họ là doanh nghiệp làm ăn bình thường. Vì vậy, cần được tạo điều kiện để tiếp cận tín dụng bình thường, trong đó còn các doanh nghiệp bất động sản.
“Tuy nhiên việc cho vay cũng có thứ tự “chọn mặt gửi vàng” của các ngân hàng thương mại. Đó là những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có dự án khả thi cao”, ông Châu nói thêm.