Ngân hàng cạn room, tăng trưởng cho vay chững lại

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 9/6/2022 đạt mức 8,15% so với đầu năm. Trước đó, tới cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,04% so với đầu năm.
image-20220627141307-1-1656314395.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Như vậy, trong 9 ngày đầu tiên của tháng 6, tín dụng chỉ tăng thêm 11 điểm cơ bản (bps) (tương đương với 30-40 bps/tháng).

“Có thể thấy tốc độ tăng của tín dụng đang giảm rõ rệt so với các tháng trước (5,97% tới cuối tháng 3; 6,75% tới cuối tháng 4; 8,04% tới cuối tháng 5). Mức tăng trưởng hiện tại cũng không còn là mức cao nhất trong vòng 10 năm (cùng kỳ năm 2017 đã tăng 9%)”, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BSC).

BSC cho rằng, việc các ngân hàng thương mại (NHTM) đều tiến sát tới mức room tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm nhiều khả năng là lý do chính khiến cho khả năng cho vay thêm của các NHTM giảm xuống, làm tăng trưởng tín dụng chững lại, đồng thời kéo theo việc lãi suất liên ngân hàng (LSLNH, là lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng khi xảy ra tình trạng thiếu vốn) tiếp tục duy trì mặt bằng thấp trong các tuần gần đây.

image-20220627141307-2-1656314438.png

Từ ngày 10/6 đến 16/6/2022, LSLNH các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tiếp tục có chung diễn biến giảm, lần lượt ở mức 0,01% và 0,04% xuống mức 0,37% và 0,8%/năm. Trong khi đó, LSLNH kỳ hạn 2 tuần tăng 1,05% lên mức 2,29%/năm.

Nhiều ngân hàng như Vietcombank, Sacombank cũng đang mong ngóng được NHNN “nới room” để có thêm dư địa cho vay. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đang khiến NHNN thận trọng đối với điều tiết cung tiền ra thị trường.

Theo NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến giữa nửa đầu 2022 cũng là mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017 trở lại đây. “Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2022 phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Điều này đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết,

Hiện NHNN chưa có tín hiệu sẽ nới lỏng tỷ lệ hạn mức tín dụng (room) và theo lãnh đạo NHNN, room vẫn còn chứ chưa hết và đây chính là thời điểm để các ngân hàng “gạn đục khơi trong”, hướng dòng vốn vào những lĩnh vực an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên phía NHNN cũng chia sẻ, có thể room tín dụng không hoàn toàn “đóng cứng” cho đến hết năm, bởi ngay trong định hướng đưa ra thời điểm đầu năm thì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 14%, nhưng cũng có thể điều chỉnh theo diễn biến thực tế.