Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc tại sao có 3 hồ sơ xin cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money nhưng Ngân hàng Nhà nước mới cấp phép cho VNPT và MobiFone, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước cấp luôn giấy phép cho Viettel cung cấp dịch vụ Mobile Money. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thấy thông tin chính thức từ Viettel về giấy phép trên.
Một nguồn tin cho hay, sở dĩ việc cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money cho Viettel bị chậm hơn so với VNPT và MobiFone liên quan đến yêu cầu bổ sung điều kiện vào hồ sơ.
Trước đó, ngày 7/01/2020, Chính phủ đã thúc giục thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ và thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời bảo đảm công tác quản lý. Trong kịch bản thúc đẩy kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số kiến nghị trong đó có việc cho thí điểm Mobile Money trong quý 1/2020.
“Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trước đó, ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital cho hay, Chính phủ cho phép Mobile Money để thành toán các loại dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn vì độ phủ của các nhà mạng rộng hơn ngân hàng rất nhiều, đến cả vùng sâu, vùng xa khi người dân chưa có tài khoản ngân hàng.Trả lời câu hỏi nếu cho phép sử dụng Mobile Money sẽ giúp 100% người dân thanh toán không dùng tiền mặt nhưng lại là thách thức đối với ngân hàng? ông Kiên cho rằng, nếu triển khai sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, mua bán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ sẽ là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng. Với những hàng hóa mệnh giá nhỏ từ uống cốc trà đá 5.000 đồng, vé gửi xe, mua bánh xà phòng, gói mì tôm hay ăn bữa ăn sáng… người dùng sẽ không sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán mà rút điện thoại ra trả tiền. Nhưng họ sẽ sử dụng phương tiện thanh toán điện tử bằng tài khoản ngân hàng để mua xe máy, mua nhà.
“Một số nghiên cứu đánh giá rằng Việt Nam chỉ có khoảng 30% dân ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng và khi chúng tôi tạo được một thói quen sử dụng thanh toán điện tử thì 70% còn lại sẽ là khách hàng của các ngân hàng. Như vậy, Mobile Money không những cạnh tranh mà còn thúc đẩy khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng khi họ làm quen với phương thức thanh toán điện tử”, ông Kiên nói.
CEO Viettel Digital nhấn mạnh, Chính phủ có chủ trương cho phép thí điểm Mobile Money là đúng xu hướng. Khi triển khai những dịch vụ thanh toán điện tử thì người dân phải thấy được giá trị thiết thực tạo ra cho mình bằng cách số hóa việc thanh toán này như tiết kiệm thời gian, công sức đi lại cho họ và tiết kiệm chi phí cho Nhà nước. Người dân sẽ thấy được giá trị thực và sự dễ dàng trong thanh toán điện tử, từ đó tạo thành những làn sóng cho xã hội. Một ví dụ đơn giản như trước đây tiền điện, tiền nước ở Hà Nội phải có người đến tận nhà thu. Nhưng hiện nay đã sử dụng phương tiện thanh toán điện tử, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, vừa tiện lợi với người dân.
“Tôi vẫn có mơ ước là bây giờ đi khám bệnh không còn cảnh chen chúc xếp hàng gửi xe hay bệnh nhân cấp cứu không phải chờ để được đóng viện phí mới được cứu chữa. Đó chính là lợi ích mà thanh toán điện tử đem lại, nhưng cần có một cú huých bằng chính sách mạnh mẽ của Chính phủ”, ông Phạm Trung Kiên chia sẻ.