Nông dân Ninh Thuận lao đao khi nông sản rớt giá

Tại Ninh Thuận, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến giá các mặt hàng nông sản chủ lực như hành tím, nho xuống thấp đang gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất, đời sống kinh tế của người dân.
Tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nơi được coi là “thủ phủ” chuyên sản xuất giống cây hành tím của tỉnh. Toàn xã, có 45 ha trồng hành tím, mỗi năm sản xuất hai vụ (mùa Nam và mùa Bấc). Trong vụ Nam năm nay, do hạn hán nên bà con chỉ xuống giống 40ha. Cây hành chăm sóc khoảng 55 ngày thì thu hoạch, nhưng hầu hết nông dân rất lo lắng vì giá thấp và tư thương không muốn thu mua hành tím. Hiện, giá hành tươi chỉ được từ 7.000 - 9.000 đồng/kg, hành giống dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg.

Anh Phạm Hải ở thôn Mỹ Tường 1, cho biết: “Vụ này, gia đình trồng bốn sào, đầu tư hơn 60 triệu đồng (chưa tính công chăm sóc), nhưng giờ giá thấp, thương lái không thu mua, nên chấp nhận thua lỗ và chỉ còn cách nhổ hành để lấy giống trồng vụ Bấc vào tháng 11”.

nho ninh thuan
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, nho chín đến thời kỳ thu hoạch không bán được đành phải cắt để làm rượu.)

Cạnh đó, hộ anh Nguyễn Hữu Phong đầu tư 20 triệu đồng, trồng 1,4 sào hành. Đến nay đã thu hoạch một phần diện tích, nhưng do rớt giá, nên anh quyết định nhổ hành để cất giữ, chờ hành tăng giá mới bán. Anh Phong chia sẻ: “Cả giá hành tươi và hành củ giống vụ Nam năm nay đều xuống thấp. Gia đình tôi chủ động được nguồn giống sản xuất nếu phải mua giống thì sẽ thua lỗ nhiều. Giờ, chỉ mong thu hồi vốn để đầu tư cho vụ sau. Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến bà con trồng hành lỗ nặng. Để giảm áp lực tồn đọng hành củ, gia đình bán cây tươi. Nay đến kỳ thu hoạch mà gọi các thương lái vẫn không ai mua; trong khi đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mấy tháng nay liên tục tăng cao nên người dân càng làm càng lỗ".

Dịch COVID -19 cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh du lịch của các hộ trồng nho ở làng nho Thái An, xã Vĩnh Hải. Gia đình chị Nguyễn Thị Hay có diện tích 5 sào (5.000 m2) đất trồng nho đỏ nhưng cũng chỉ dám cắt cành cho ra quả hơn 500m2, còn lại đành phải chấp nhận “treo giàn”.

Chị Hay cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian qua hoạt động du lịch phải tạm ngừng, người dân hạn chế đi lại, các thương lái không dám mua mão (nguyên giàn) với số lượng nhiều khiến sức tiêu thụ trên thị trường giảm, kéo theo đó giá nho cũng giảm sâu. Hiện, nho đẹp loại 1 thương lái thu mua cũng chỉ tầm 20.000 đồng/kg đổ lại, giảm 50% về giá so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, thương lái cũng thu mua rất chậm, nhiều hộ trồng nho chín đến thời kỳ thu hoạch không bán được đành phải cắt để làm rượu nho.

Nếu như mọi năm, vào thời điểm này, các nhà vườn phấn khởi khi đến vụ thu hoạch nho chính vụ xuân hè, vì năng suất cao và giá bán ổn định, thì vụ nho năm nay lại kém vui khi giá nho xuống thấp, ít thương lái tìm đến mua. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 các quán ăn, nhà hàng, khu du lịch…bị đóng cửa, cùng với việc người dân hạn chế đi lại nên các xe vận chuyển hàng hóa với giá cao đã làm thương lái không dám mua mão (nguyên giàn) với số lượng nhiều.

Ông Trần Văn Tạo, nhà vườn trồng nho ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) cho biết, hiện nay nhiều vườn nho tại địa phương đã quá lứa nhưng chưa được thu hoạch, thương lái ngó lơ vì đầu ra bán chậm. Chưa khi nào, giá nho lại “rớt giá” như năm nay. Ông Nguyễn Văn Long, thương lái thu mua nho ở khu phố 3, phường Bảo An (Tp Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: “Năm nay ai cũng lo lắng vì giá nho thấp, đợt dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm đến nay, thương lái như tôi đành chấp nhận lỗ vì đã mua nhiều vườn nho, đến nay chưa thu hoạch được vì giá nho tươi quá thấp, nhưng không người mua đành bán nho làm rượu để cứu vớt”.

hanh ninh thuan
Giá hành tươi chỉ được từ 7.000 - 9.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có người thu mua.)

Hiện nay, ngoài cây hành, nho, nhiều cây trồng khác tại các địa phương giá cũng giảm hơn so với trước đây, khó tìm nơi tiêu thụ. Trước tình trạng này, người dân mong muốn các cấp, ngành tỉnh Ninh Thuận có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn tồn đọng, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho nông dân và hợp tác xã để bà con có vốn tiếp tục hoạt động tái sản xuất, kinh doanh.

Bà Trần Thị Phong, Phó Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo thống kê đến thời điểm hiện tại có khoảng hơn 2.000 tấn hành tím và 100 tấn nho của các địa phương đã đăng ký kết nối tiêu thụ sản phẩm. Để hỗ trợ các địa phương tiêu thụ lượng nông sản còn tồn đọng, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận có công văn gửi tới Sở Công Thương các tỉnh, thành trong cả nước trao đổi thông tin, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên...

Cùng đó, Sở tăng cường hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ thông tin giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá, bán sản phẩm qua website, các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, để giải quyết áp lực về thị trường tiêu thụ nông sản, tỉnh Ninh Thuận triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến, xây dựng kế hoạch chi tiết tiêu thụ nông sản theo từng kịch bản; đồng thời, tăng cường xây dựng mô hình chuỗi giá trị kết nối cung - cầu bảo đảm an toàn và giữ được giá trị của nông sản.

Đặc biệt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ số hỗ trợ cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đưa nông sản địa phương lên sàn giao dịch thương mại điện tử để góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua các kênh phân phối hiện đại và mang tính bền vững hơn.